Khám phá 'mũi nhọn' của Ấn Độ để hạ bệ Trung Quốc và Pakistan
Ấn Độ đang sở hữu một số căn cứ có vị trí địa chiến lược quan trọng, các căn cứ này sẽ là mũi nhọn chọc thẳng vào “tim gan” của Trung Quốc và Pakistan.
Theo báo cáo của hãng defencexp/Ấn Độ, New Delhi đang xây một căn cứ không quân bí mật ở nước ngoài - Căn cứ Không quân Farkhor ở Tajikistan, đây là căn cứ rất quan trọng đối với chiến lược của Ấn Độ.
Tajikistan là một quốc gia không giáp biển ở Trung Á, từng là một phần của Liên Xô. Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Tajikistan giành được độc lập và nước này có một quân đội quy mô tương đối nhỏ. Không quân Tajikistan là một lực lượng không quân rất nhỏ với chỉ một phi đội, được trang bị 14 trực thăng tấn công Mi-8, 6 trực thăng tấn công Mi-24 và 4 tiêm kích tấn công hạng nhẹ L-39.
Ấn Độ đang sở hữu những căn cứ chiến lược ở Tajikistan. Nguồn: Sina. |
Nga không muốn cung cấp cho Tajikistan những thiết bị tiên tiến hơn, vì Nga hy vọng rằng quốc gia Trung Á này có thể dựa vào sự bảo vệ của Không quân Nga. Sự hiện diện quân sự của Không quân Ấn Độ tại Tajikistan là một vấn đề đáng chú ý, điều này làm gia tăng sự cảnh giác của Trung Quốc và các nước láng giềng khác.
Năm 1996, Bộ phận Nghiên cứu và Phân tích của Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Ấn Độ bắt đầu đàm phán với Tajikistan để sử dụng Căn cứ Không quân Farkhor ở biên giới phía nam với Afghanistan để vận chuyển quân nhu cho Liên minh phương Bắc, cung cấp bảo dưỡng cho các máy bay trực thăng và thu thập thông tin tình báo.
Vào thời điểm đó, có một bệnh viện quân sự nhỏ ở khu vực Farkhor do quân đội Ấn Độ điều hành. Bệnh viện này được sử dụng để điều trị cho các thành viên của Liên minh phương Bắc Afghanistan bị thương trong cuộc giao tranh với Taliban.
Năm 2002, tin tức về việc Ấn Độ thành lập căn cứ không quân ở Farkhor bị rò rỉ, và chính phủ Ấn Độ đã phải công khai thừa nhận điều đó. Nga cũng hỗ trợ xây dựng căn cứ. Tuy nhiên, cuối cùng, Căn cứ Không quân Farkhor rơi vào tình trạng đổ nát, vì nó không được sử dụng kể từ khi bị Liên Xô bỏ hoang vào những năm 1980.
Chính phủ Ấn Độ đã trao một hợp đồng trị giá 10 triệu USD cho một công ty xây dựng tư nhân vào năm 2003, yêu cầu công ty này phải sửa chữa căn cứ không quân vào năm 2005. Nhưng sau đó người xây dựng đã vi phạm hợp đồng và Tổ chức Đường cao tốc Biên giới Ấn Độ đã hành động để hoàn thành dự án. Đến năm 2006, có thông tin cho rằng chính phủ Ấn Độ đang xem xét triển khai một phi đội MiG-29 tại Căn cứ Không quân Farkhor.
Ấn Độ cũng đã chi 70 triệu USD để cải tạo và hiện đại hóa hoàn toàn Căn cứ Không quân Ayni gần Dushanbe, thủ đô của Tajikistan. Ấn Độ đã xây dựng một đường băng hiện đại dài 3.200 mét tại căn cứ này cùng với hệ thống kiểm soát không lưu, thiết bị dẫn đường hiện đại và hệ thống phòng không mạnh mẽ.
Tuy nhiên, khác với căn cứ Farkhor, Ấn Độ luôn giữ im lặng đối với Căn cứ Không quân Ayni. Các nhà phân tích tin rằng Không quân Ấn Độ và Không quân Nga có thể đang cùng sở hữu căn cứ này. Chính phủ Tajikistan cũng giữ im lặng về việc này, vì có nhiều lý do địa chính trị đằng sau đó.
Căn cứ Không quân Farkhor có tầm quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ. Căn cứ chỉ cách Pakistan 900 km, điều này giúp thủ đô Pakistan lọt vào tầm tấn công của máy bay chiến đấu Ấn Độ. Pakistan luôn cho rằng Ấn Độ là mối đe dọa lớn nhất, nên mọi thiết bị quân sự của Pakistan đều tập trung ở vùng biên giới Ấn Độ - Pakistan rộng lớn.
Tất cả các căn cứ không quân của Pakistan đều nằm gần biên giới với Afghanistan vì Pakistan không coi Afghanistan là một mối đe dọa. Hầu hết các tên lửa phòng không của Pakistan cũng được triển khai ở các khu vực giáp biên giới Ấn Độ - Pakistan.
Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan, nếu các máy bay chiến đấu của Ấn Độ từ Căn cứ Không quân Farkhor tiến vào Pakistan từ biên giới Afghanistan và tấn công các địa điểm quan trọng như thủ đô Islamabad, Pakistan sẽ không kịp phản ứng, vì phần lớn quân đội Pakistan lực lượng phòng không được bố trí tại khu vực biên giới để đề phòng Ấn Độ.
Trong trường hợp này, tiêm kích Ấn Độ có thể tung đòn tấn công mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào và quay trở lại Căn cứ Không quân Farkhor. Đường tấn công này sẽ giúp tấn công Peshawar và các thành phố lớn khác ở miền bắc Pakistan, những nơi mà máy bay chiến đấu Ấn Độ khó tiếp cận.
Khi một cuộc xung đột toàn diện nổ ra, đòn bất ngờ này sẽ gây ra hỗn loạn cho bộ chỉ huy cao nhất của Pakistan, điều này sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho Ấn Độ. Các căn cứ này ở Tajikistan cũng tạo lợi thế cho Không quân Ấn Độ trước Trung Quốc vì lý do tương tự.
Trung Quốc sẽ không bao giờ dự tính được là Ấn Độ mở một cuộc tấn công từ Tajikistan. Không quân Ấn Độ cũng có thể sử dụng Căn cứ Không quân Farkhor để tấn công các tuyến tiếp tế của Trung Quốc và Pakistan.
Cả chính phủ Ấn Độ và Tajikistan đều giữ im lặng về việc bố trí binh lực hiện tại, và hai nước có lý do chính đáng để làm như vậy. Mục đích chính của Căn cứ Không quân Farkhor là duy trì tính bất ngờ của một cuộc tấn công, do đó, hiển nhiên là chính phủ Ấn Độ rất ít công bố thông tin về căn cứ này.
Căn cứ không quân Farkhor là một tài sản quan trọng của Quân đội Ấn Độ cả về mặt chiến lược và địa chính trị. Điều này sẽ giúp Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á và bù đắp ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc. Ấn Độ và Tajikistan có quan hệ quân sự rất chặt chẽ. Các sĩ quan Tajikistan cũng được đào tạo tại nhiều trường đại học khác nhau ở Ấn Độ.
Chương trình phát triển đầu đạn hạt nhân W93 đầy ‘chông gai’ của Anh
Anh đang đặt tham vọng hợp tác với Mỹ trong việc phát triển đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm W93, nhưng liệu có thành sự thật?
Đức Trí (lược dịch)