Khắc phục bất cập trong đấu thầu qua mạng
Kết quả bước đầu
Theo Báo Điện tử Chính phủ, đây là các nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội nghị tổng kết thí điểm đấu thầu qua mạng giai đoạn 2012-2013 và đề xuất lộ trình thực hiện đấu thầu qua mạng trong những năm tiếp theo diễn ra ngày 28/2.
Hình thức đấu thầu qua mạng được quy định đầy đủ trong Luật Đấu thầu. Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Đào Quang Thu: Hình thức đấu thầu này sẽ làm tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động đấu thầu, thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là sự cam kết của Việt Nam với các nhà tài trợ trên thế giới.
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng cho biết: Tính đến cuối năm 2013, các cơ quan thí điểm và các đơn vị khác trong cả nước đã thực hiện thành công hơn 1.000 gói thầu điện tử (so với 55 gói thầu trong giai đoạn 2009–2011).
Các hoạt động như đăng tải kế hoạch đấu thầu, đăng tải thông báo mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, mở thầu, thông báo kết quả đánh giá… đều được thực hiện trên hệ thống, đăng tải được hơn 9.200 kế hoạch đấu thầu, hơn 57.000 thông báo mời thầu. Số lượng người dùng đăng ký sử dụng hệ thống là hơn 7.400 bên mời thầu và hơn 2.600 nhà thầu.
Số lượng người dùng (nhà thầu, bên mời thầu, người dùng đăng ký) trong giai đoạn 2012-2013 đã tăng vọt so với giai đoạn 2009-2011. Cụ thể, số lượng người đăng ký tăng 500%, trong đó số lượng nhà thầu đăng ký tham gia sử dụng tăng 650%, số lượng bên mời thầu tăng 460%. Việc sử dụng hệ thống để đăng tải thông tin đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng cũng tăng trưởng vượt bậc. Số gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng tăng gần 20 lần, số thông báo mời thầu và kế hoạch đấu thầu được đăng tải tương ứng gần 3 lần và 11 lần.
Khắc phục những trở ngại
Khẳng định đấu thầu qua mạng đã trở thành xu thế tất yếu của rất nhiều quốc gia, ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu dẫn chứng: Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng đấu thầu qua mạng từ lâu và đến năm 2015, tất cả các thành viên EU sẽ phải áp dụng đấu thầu điện tử như là hình thức bắt buộc.
Thực tế, đấu thầu điện tử góp phần tiết kiệm rất lớn vì giảm thiểu chi phí đi lại, in ấn, cũng như hạn chế tiêu cực, phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế (đặc biệt khi Việt Nam đang tham gia đàm phán TPP).
Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Singapore và nhiều quốc gia tiên tiến khác cho thấy đấu thầu qua mạng có thể tiết kiệm được từ 3-20% giá gói thầu. Còn tại Việt Nam, theo tính toán, việc mở rộng đấu thầu qua mạng sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ USD bởi tổng giá trị các gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu hằng năm khoảng hơn 20 tỷ USD.
Rõ ràng việc mở rộng đấu thầu qua mạng là hết sức cần thiết. Tuy vậy để áp dụng rộng rãi, hiệu quả hình thức này, chúng ta cần giải quyết một số trở lực cơ bản.
Theo ông Lê Văn Tăng, trở ngại lớn nhất là các đơn vị triển khai còn mang tâm lý lo ngại khi giải trình với các cơ quan thanh tra, kiểm tra về quy trình đấu thầu qua mạng.
Cũng về vấn đề này, một số đơn vị cho rằng nguyên nhân chủ yếu là vấn đề cơ sở hạ tầng công nghệ hiện chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc hạn chế về trình độ công nghệ thông tin tại đơn vị.
Đại diện Sở KHĐT Hà Nội cho rằng, do trình độ công nghệ thông tin hạn chế, nên năm 2013, dự kiến có 10 gói thầu tham gia đấu thầu qua mạng song cuối cùng chỉ có 3 gói được thực hiện bằng hình thức này.
Đại diện Tổng công ty điện lực Hà Nội lại cho rằng khi đấu thầu qua mạng việc thay đổi hồ sơ mời thầu khá bất tiện, có thể trục trặc gây ra sự thiếu công bằng. Kẽ hở công nghệ sẽ có trường hợp nhà thầu bị loại ra khỏi danh sách hoặc gần đến thời điểm đấu thầu mới cho thêm vào. Đề nghị phải phân quyền kiểm soát thật chặt, đến lúc mở hồ sơ mới biết được số lượng nhà thầu tham gia, không loại được nhà thầu trước khi mở…
Ngoài ra, một vấn đề lớn nữa là giá trị pháp lý của các tài liệu điện tử cũng như chữ ký số trong đấu thầu qua mạng chưa được công nhận đầy đủ, chưa được quy định cụ thể ở văn bản quy phạm pháp luật và còn thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong thanh toán, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán… Điều này đặt ra cho cơ quan chủ trì trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý.
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Lê Văn Tăng cho hay: Những vướng mắc trong triển khai đấu thầu qua mạng sẽ được tiếp thu để hoàn thiện công tác đấu thầu qua mạng. Đồng thời, ông Tăng khẳng định cơ quan quản lý sẽ đặt ra lộ trình về tỷ lệ bắt buộc phải đấu thầu qua mạng theo từng năm. Kết hợp với những biện pháp tuyên truyền, tỷ lệ này sau đó sẽ được nâng dần lên.