Kết nối các sản phẩm OCOP vào điểm giới thiệu, hệ thống phân phối
Hội nghị “Kết nối các sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” với sự tham gia, có mặt đại diện của các cơ quan trung ương, đại diện của hơn 30 tỉnh, thành phố, đại diện của các hiệp hội, ngành hàng. Có gần 150 doanh nghiệp, hộ sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, và sự có mặt của đại diện các doanh nghiệp phân phối bán lẻ như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Bác Tôm,…, đại diện các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietJet Air, doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, hàng lưu niệm tại sân bay, đại diện các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Kạn…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại hội nghị |
Đây sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà sản xuất, các nhà phân phối, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của mình và sẽ có nhiều hợp đồng kết nối sẽ được ký kết trong và ngoài khuôn khổ Hội nghị này.
Hội nghị sẽ là một trong những tiền đề góp phần đẩy mạnh kết nối các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các đặc sản vùng miền vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, vào các hệ thống phân phối trên cả nước và hướng đến xuất khẩu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng do Chính phủ xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, căn cứ trên tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong 10 năm qua, ngành Công Thương luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện tiêu chí về điện và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Việc triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển nguồn, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, đưa điện sáng về các thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đưa hàng Việt Nam có chất lượng về nông thôn, định hình thói quen tiêu dùng, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; huy động các nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý, đầu tư phát triển chợ, mạng lưới phân phối sản phẩm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Thời gian qua, chương trình OCOP đã được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng và cho thấy sự sáng tạo của người dân là vô hạn, ngày càng khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của OCOP.
Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là trên 3.800 sản phẩm. Hiện nay, cả nước đã có 12 tỉnh, bao gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai, Bến Tre, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bình Định, Sóc Trăng, Hòa Bình, Hà Giang, tổ chức đánh giá, phân hạng và có Quyết định công nhận cho 604 sản phẩm OCOP, trong đó có 09 sản phẩm 5 sao, 05 sản phẩm đề xuất 5 sao, 195 sản phẩm 4 sao, 395 sản phẩm 3 sao, các địa phương khác đã và đang triển khai việc tổ chức, đánh giá và phân hạng các sản phẩm OCOP.
Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động triển khai Chương trình như Quảng Ninh, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hà Nam, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình….
Cũng đóng góp cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn, bên cạnh Chương trình OCOP, các chương trình như khuyến công và phát triển làng nghề đang ngày càng phát huy hiệu quả.
Bên cạnh các sản phẩm OCOP, thì các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngày càng đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần phát triển công nghiệp ở các địa phương và xây dựng nông thôn mới.
Năm 2019, có 110 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, thuộc các nhóm: thủ công mỹ nghệ; sản phẩm chế biến nông lâm thủy sản và đồ uống; sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí, thuộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Đây là những sản phẩm nổi trội, đại diện cho các nhóm ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu, có lợi thế của các địa phương, khu vực và quốc gia, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước để có kế hoạch hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.
Cùng với đó, các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước, nâng cao đời sống cho người dân.
Không chỉ vậy, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống còn thể hiện gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của vùng miền và dân tộc. Đặc biệt, nhiều làng nghề bị thất truyền trong lịch sử thì nay đã được khôi phục, phát triển trở lại.
Hiện nay, cả nước hơn 5.000 làng nghề đang hoạt động, trong đó số làng nghề được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là khoảng gần 2.000. Nhiều nghệ nhân đã được xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất các đặc sản vùng miền, đây là sự tôn vinh thiết thực, xứng đáng đối với nghệ nhân - những “báu vật nhân văn sống” có đủ phẩm chất đạo đức, tài năng xuất sắc, có cống hiến tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.