Iran hưởng lợi từ radar Kasta-2E2 của Nga ở Syria
Tổ hợp radar bắt thấp Kasta-2E2 của Nga được cho đã xuất hiện ở Deir ez-Zor/Syria để hỗ trợ lực lượng thân Iran trước các cuộc tấn công của Israel.
Mạng tin tức quân sự Bulgaria dẫn báo cáo từ RIA Novosti cho biết, hệ thống radar bắt thấp thế hệ mới nhất của Nga "Kasta-2E2" (39N6) đã được phát hiện trong một sân bay quân sự của Chính phủ Syria ở tỉnh Deir ez-Zor, đông bắc Syria. Loại radar này chủ yếu được sử dụng để theo dõi và phát hiện các máy bay nhỏ tầm thấp, máy bay không người lái và các mục tiêu khác.
Hệ thống radar bắt thấp thế hệ mới nhất của Nga Kasta-2E2. Nguồn: Sina. |
Điều đáng chú ý là sân bay lại là sân bay được Iran thường xuyên sử dụng. Theo RIA Novosti, hiện vẫn chưa rõ Syria hay Iran sở hữu hệ thống radar này, do đó, truyền thông Nga phỏng đoán đây có thể là radar của quân đội Nga.
Theo RIA Novosti, những hành động như vậy không còn xa lạ với Nga, trong những năm gần đây, quân chính phủ Syria hay dân quân thân Iran đã trực tiếp nhận được sự hỗ trợ thiết bị hoặc hỗ trợ hỏa lực từ Nga trên chiến trường Syria.
Mạng quân sự Bulgaria chỉ ra rằng trong năm qua, các sân bay ở Syria đã bị Israel tấn công hàng chục lần, các cuộc tấn công thường được thực hiện bằng tên lửa hoặc máy bay không người lái tầm xa. Do đó, rất có thể sự xuất hiện của các radar do Nga sản xuất là biện pháp mà quân chính phủ Syria thực hiện nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của sân bay này.
"Kasta-2E2" là một đài radar 3 tọa độ di động của Nga băng sóng decimet bao quát đủ 360 độ trong khi hoạt động. Nó được thiết kế để kiểm soát không phận và cung cấp tọa độ cho lực lượng phòng không và không quân. Ngoài ra, khí tài này cũng có thể được sử dụng như một radar kiểm soát không lưu tại các sân bay không có hạ tầng điều khiển. Trường quan sát của radar này là 150 km.
Hệ thống Kasta-2E2 có thể xác định tham số cự ly, phương vị và độ cao của các loại mục tiêu bay (máy bay cánh bằng, trực thăng, phương tiện bay không người lái, tên lửa hành trình bay thấp hoặc bám đất cực thấp) có tiết diện phản xạ điện từ thấp trong điều kiện nhiễu địa hình địa vật và nhiễu khí tượng cường độ mạnh.
Tổ hợp radar Kasta-2E2 có thiết kế dạng khối linh kiện với khối phát dùng đèn bán dẫn, khối xử lý tín hiệu kỹ thuật số và đồng bộ có khả năng kháng triệt nhiễu tương tác điện từ của các khí tài điện tử khác hoạt động trong đội hình ở cự ly gần (khả năng kháng nhiễu đạt tới 50dB), khối kiểm chỉnh lỗi đồng bộ, khối an-ten thu phát gắn trên xe cao 14m để phát hiện mục tiêu bay thấp, khối an-ten thu phát trên xe kéo cao 50m, khối trạm điều khiển từ xa.
Tổ hợp Kasta-2E2 gồm có các thành phần: một xe khí tài thu phát; một xe an-ten xoay kèm trạm nguồn AD-30 và máy biến thế dùng nguồn điện lưới; một trạm nguồn điện diesel dự phòng đặt trên xe thùng kéo việt dã bánh hơi; 2 xe thùng kéo một cầu chở phụ kiện; một trạm điều khiển từ xa có khả năng điều khiển đài phát từ khoảng cách tới 300m.
Đài nhìn vòng bắt thấp Kasta-2E2 có phạm vi trinh sát 5-150km, độ cao 6km, có thể bắt bám cùng lúc không dưới 50 mục tiêu, hoạt động liên tục không dưới 20 ngày.
Một số nhà phân tích quân sự Nga cho rằng, việc xuất hiện hệ thống Kasta-2E2 ở Syria thể hiện mong muốn gia tăng sức mạnh quân sự của Moscow ở quốc gia này.
Ngày 12/12/2020, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga cùng ra thông báo cho biết, Nga đã quyết định đưa quân đến khu vực lân cận Cao nguyên Golan và tiến hành tuần tra với quân đội Syria dọc theo đường kiểm soát thực tế dọc biên giới Syria-Israel.
Hiện không rõ Israel sẽ phản ứng như thế nào với các hoạt động của Nga gần Cao nguyên Golan và liệu điều này có ảnh hưởng đến các cuộc không kích tiếp tục của Israel vào Syria hay không.
Phía Israel tuyên bố rằng, chừng nào các lực lượng dân quân thân Iran còn tiếp tục thực hiện các cuộc không kích ở khu vực này thì họ vẫn sẽ tiếp tục. Với việc xuất hiện radar Kasta-2E2 ở Deir ez-Zor, Iran sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi loại radar này có thể phát hiện hầu như toàn bộ các cuộc tấn công tầm xa của Israel vào khu vực này.
Hạm đội phương Bắc chính thức trở thành ‘cú đấm thép’ của Nga
Hạm đội phương Bắc của Nga đã chính thức được “thăng hạng”, trở thành một đơn vị hành chính quân sự độc lập, được coi là “Quân khu thứ năm”.
Đức Trí (lược dịch)