Iran có khả năng chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đe dọa đến lãnh thổ Mỹ?
Iran vừa phóng thành công vệ tinh quân sự lên quỹ đạo, đây được coi là nền tảng để nước này chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể đe dọa đến lãnh thổ Mỹ.
Ngày 23/4, các phương tiện truyền thông chính thức của Iran đã đồng loạt công bố thông tin về việc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phóng thành công vệ tinh quân sự Noor (Ánh sáng) lên quỹ đạo cao 425 km bằng tên lửa đẩy 2 tầng Ghased (Sứ giả) vào sáng 22/4.
Iran phóng thành công vệ tinh quân sự Noor vào quỹ đạo ngày 22/4. Nguồn: eastday.com. |
Tư lệnh IRGC, thiếu tướng Hossein Salami nhấn mạnh, tất cả các thành phần kỹ thuật, bao gồm cả vệ tinh và tên lửa đẩy, đều là những thành quả được tạo ra từ việc phát huy tối đa chất xám của đội ngũ chuyên gia Iran, hoàn toàn không dựa vào viện trợ nước ngoài và cũng không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của nước ngoài.
Thành viên Ủy ban chuyên gia Hội liên hợp các Ủy ban công nghiệp quân sự của Liên bang Nga Viktor Murakhovsky cho biết, việc phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên của Iran cho thấy Tehran đã đạt đươc bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực này, đây là nền tảng để Tehran tự mình chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa trong tương lai gần.
Iran phóng thử tên lửa đẩy Simorgh năm 2017. Nguồn: eastday.com. |
"Đây chắc chắn là một bước nhảy vọt đối với Iran. Vấn đề không đơn giản chỉ là Iran lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh quân sự, mà điều này còn có nghĩa là Iran đã có thể chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đẩy mang vệ tinh vào quỹ đạo. Cần nhắc lại ở đây rằng, tên lửa đẩy trong vụ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Liên Xô sau đó đã trở thành nguyên mẫu của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên", ông Murahovsky nói.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, một khi Iran làm chủ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các đối thủ trong khu vực. Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, điều này buộc Iran phải có một “bước tiến triệt để”. Việc Tehran làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng đánh dấu sự thất bại của chính sách của Mỹ.
Mặc dù Israel có quân đội mạnh và là “bậc thầy” về công nghệ tiên tiến, nhưng quốc gia này sẽ là mục tiêu chính của các tên lửa Iran trong tương lai và không có hệ thống tên lửa phòng không nào trên thế giới có thể đảm bảo đánh chặn thành công 100%.
Tên lửa đẩy 2 tầng Ghased mang theo vệ tinh quân sự Noor. Nguồn: eastday.com. |
Về phía Mỹ, Phi đội Giám sát Không gian số 18 của Không quân Mỹ hôm 22/4 tuyên bố, Mỹ đã phát hiện ra một vệ tinh mới của Iran được phóng lên quỹ đạo vào cùng ngày. Hiện, Phi đội này đang theo dõi chặt chẽ 2 mục tiêu đó là vệ tinh Noor (mã số mục tiêu không gian là 45529) và tên lửa đẩy 2 tầng Ghased (mã số 45530).
Trước đó, trang web space-track.org của Không quân Mỹ đã công bố tin tức về việc phát hiện mục tiêu mới trên quỹ đạo, nhưng không cho biết rõ đó là vệ tinh. Vật thể được phóng lên có mã số 45529 và ký hiệu quốc tế là 2020-024A, nằm trên quỹ đạo với độ cao tối thiểu 426 km, tối đa là 444 km và có góc nghiêng 59,8 độ so với đường xích đạo.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã yêu cầu Iran phải chịu trách nhiệm đối với việc phóng vệ tinh quân sự, vụ phóng vệ tinh này là cách để Iran che giấu việc phát triển chương trình tên lửa đạn đạo. Hành động của Iran đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) về việc kêu gọi Iran không phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân. Quân đội Mỹ cũng nhận định, việc Iran sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo để đưa vệ tinh này vào quỹ đạo có thể cho phép Tehran phóng các loại vũ khí tầm xa hơn trong tương lai, thậm chí kèm cả đầu đạn hạt nhân.
Iran đã nhiều lần thử nghiệm tên lửa đẩy. Nguồn: eastday.com. |
Giới chuyên gia cho rằng, một quả vệ tinh quân sự sẽ cung cấp cho Iran khả năng trinh sát, thăm dò đáng kể, cho phép Iran nắm rõ tình hình của một quốc gia hoặc một khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc, hoạt động của lực lượng Mỹ trong khu vực sẽ nằm hoàn toàn trong phạm vi theo dõi của Iran, đặc biệt là tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Vịnh Ba Tư. Đáng chú ý, với tiềm lực hạt nhân của mình, thì tên lửa đẩy phục vụ phóng vệ tinh sẽ chính là nền tảng để Iran phát triển tên lửa đạn đạo có thể đe dọa tới lãnh thổ Mỹ.
Hồi tháng 2, Iran thất bại trong việc đưa vệ tinh liên lạc Zafar 1 lên quỹ đạo. Trước đó là 2 lần phóng thất bại trong năm 2019, cùng một vụ nổ tên lửa đẩy tại bãi phóng vào tháng 8 cùng năm. Ngoài ra, vào tháng 2.2019, một vụ cháy tại Trung tâm vũ trụ Imam Khomeini của Iran làm 3 nhà nghiên cứu thiệt mạng.
Tàu sân bay Mỹ ở Vịnh Ba Tư sẽ không còn là “bí mật” đối với Iran. Nguồn: eastday.com. |
Năm 2015, Liên hợp quốc đã yêu cầu Iran ngừng hoạt động nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân trong thời hạn 8 năm, theo thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết cùng năm giữa quốc gia này với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).
Phần lớn các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc với Iran đã được gỡ bỏ hồi tháng 1/2016, sau khi cơ quan này xác nhận Tehran đã thực hiện các điều khoản của JCPOA. Tuy nhiên, Liên hợp quốc vẫn áp dụng lệnh cấm vận vũ khí với Iran. Thời hạn của biện pháp trừng phạt này dự kiến kết thúc vào tháng 10 năm nay.
Đức Trí (lược dịch)