Chuyên gia bình luận gì về việc Iran phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên?
Iran đã phóng vệ tinh quân sự đầu tiên lên vũ trụ, đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt, tuy nhiên nó khó có thể tăng cường đáng kể tiềm năng quân sự của nước này.
Nhận định trên được chuyên gia Vladimir Sazhin đến từ Viện Phương Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga chia sẻ với RIA hôm 22/4.
Theo đó, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thông báo đã phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên của nước này lên quỹ đạo. Vụ phóng vệ tinh quân sự được tiến hành vào ngày 21/4 tại sa mạc Markazi ở miền trung Iran.
“Quân đội Iran đã phóng thành công vệ tinh quân sự đầu tiên Noor (Ánh sáng) lên quỹ đạo cách trái đất 425 km, bằng tên lửa đẩy 2 tầng Qassed (Sứ giả)”, truyền thông Iran cho hay.
Phương tiện phóng vệ tinh quân sự của Iran. Ảnh: AP |
Được biết, IRGC đã giám sát vụ phóng, diễn ra vào đúng ngày thành lập của lực lượng này. Binh chủng không gian vũ trụ của IRGC sở hữu một loạt các tên lửa tầm xa và các phương tiện phóng vệ tinh được phát triển bởi ngành công nghiệp tên lửa nội địa của Iran.
Đây được cho là vụ phóng vệ tinh quân sự đầu tiên của Iran và là lần phóng thành công sau nhiều lần thất bại nhiều tháng gần đây.
Ông Sazhin cho rằng, việc phóng vệ tinh quân sự đầu tiên, tất nhiên là một bước tiến lớn trong sự phát triển nghành công nghiệp tên lửa Iran. Tuy nhiên, sự kiện này không đáng để phóng đại tầm quan trọng về mặt tăng cường tiềm năng quân sự của nước Cộng hòa Hồi giáo.
“Tôi không nghĩ vệ tinh này có thể tăng cường đáng kể tiềm năng quân sự của Iran, nhưng sự kiện này vẫn rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên, Iran tuyên bố sử dụng không gian vũ trụ cho mục đích quân sự”, ông Sazhin nói.
Đồng thời, ông Sazhin nhấn mạnh, ở Iran các chiến dịch tuyên truyền liên quan đến thành tựu trong lĩnh vực công nghệ quân sự rất được coi trọng.
Trước đó, vào đầu tháng 2, Iran thất bại trong việc đưa vệ tinh liên lạc Zafar 1 lên quỹ đạo. Phía Iran cho biết, hành động đưa vệ tinh lên quỹ đạo này không theo đuổi các mục đích quân sự.
Sau đó, những nỗ lực này bị một số nước phương Tây đặc biệt là Mỹ lên án. Họ cho rằng các hành động của Iran sử dụng các tên lửa đẩy cho các mục đích này đã vi phạm nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nghị quyết được thông qua năm 2015 tán thành thỏa thuận quốc tế về kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran, kêu gọi nước này hạn chế hoạt động liên quan đến tên lửa đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng chương trình không gian của Iran có thể giúp nước này “theo đuổi khả năng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”. Tuy nhiên, phía Iran lập luận rằng tên lửa này không khác gì một phương tiện phóng vệ tinh.
Thanh Bình (lược dịch)