Huyền tích “rừng giếng ngọc”
Trong tiết trời giao mùa cuối đông đầu xuân, đứng giữa nắng non cùng gió đông se lạnh tại điểm dốc cao vắt ngang núi Cù (xã Bản Cái, Bắc Hà) nhìn xuống thũng lũng rộng lớn Làng Cù thấy cả mảng xanh đằm thắm như một “giếng ngọc”.
Trong cái chênh vênh của tiết trời giao mùa cuối đông đầu xuân, đứng giữa nắng non cùng gió đông se lạnh tại điểm dốc cao vắt ngang núi Cù xã Bản Cái (Bắc Hà) nhìn xuống thũng lũng rộng lớn Làng Cù, chúng tôi thấy mát mắt bởi mảng xanh đằm thắm như một “giếng ngọc” của cây và lá đầy sức xuân tươi mới, trái ngược với màu bàng bạc của ruộng đồng đang kỳ nghỉ đông. Hỏi người dân được biết đó là khu rừng cấm của thôn Làng Cù, nơi có những cây gỗ cổ thụ vài trăm năm tuổi.
Người dân Làng Cù thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng quý. |
Thông thường, những cánh rừng già hoặc ở trên những đỉnh núi cao, nhưng tại Làng Cù, cánh rừng quý lại nằm giữa thung lũng, nơi đây bốn mùa có mạch nguồn tuôn chảy cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho đồng bào Dao nơi đây. Nhìn từ trên đỉnh dốc cao xuống, khu rừng như một cái giếng xanh biếc. Cũng có lẽ vì vậy mà nhiều người gọi tên khu rừng là “giếng ngọc” của làng Dao.
Trong căn nhà xây khang trang nằm ngay sát bìa rừng cổ thụ ở thôn Làng Cù, bà Triệu Thị Chẳn, năm nay 91 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn cho biết: Tôi sinh ra tắm nước suối chảy ra từ rừng, uống nước từ rừng mà lớn lên, giờ già rồi vẫn được khu rừng này che chở. Từ thời ông bà, cha mẹ tôi cũng thế, khu rừng này có từ thời người Dao định cư nơi đây. Người Dao cần nước để sinh hoạt, để sản xuất nên luôn có tín ngưỡng thờ cúng, bảo vệ rừng.
Câu chuyện về ân nghĩa của rừng là động lực rất lớn thôi thúc thêm mong muốn của chúng tôi khám phá “giếng ngọc” của làng Dao. Theo chân các thành viên Tổ bảo vệ rừng của thôn, tôi bách bộ đầy háo hức. Ngay từ cửa rừng, màu xanh ngút ngàn đã khiến tôi choáng ngợp. Càng vào sâu, rừng càng đan cài nhiều tầng lớp dày đặc với 5 tầng tán từ tầng cao, trung, dây leo, thấp đến lớp cây bụi. Đâu đó giữa những tán cây tiếng chim hót líu lo, thỉnh thoảng có tiếng sột soạt của những chú sóc đang tìm hạt mầm trong lớp lá khô mục. Tôi mải ngắm chim muông, ngắm những lộc trồi tươi mới chẳng mấy chốc đã đến vùng lõi khu rừng. Khi cả đoàn dừng bước, hiện ra trước mắt chúng tôi là những gốc cây cổ thụ cao lớn sừng sững vượt khỏi tán những cây khác. Có cây đường kính tới 1,5 m, thân cây rêu phong, đang bong từng lớp vỏ như thay áo mới khi chuyển mùa. Ngước mắt nhìn lên ngọn cây, những tia nắng thưa thớt lọt qua tán lá dày xuyên xuống nhìn lung linh như vầng hào quang huyền ảo. Ông Đặng Văn Minh, Bí thư Chi bộ thôn Làng Cù tự hào: Khu rừng dổi này rộng chừng 5 đến 6 ha, đây là cây gỗ dổi tổ to nhất khu rừng này, tuổi đời có lẽ vài trăm năm.
Ông Minh và hai thành viên tổ bảo vệ rừng nắm tay nhau cũng không ôm hết gốc cây dổi tổ. Ông Minh cho biết thêm, khu rừng này rất đặc biệt, mùa hè nắng gắt đến mấy, cây cỏ ngoài nương, ruộng héo khô hay mùa đông lạnh giá, khắc nghiệt nhưng chỉ riêng khu rừng này vẫn duy trì một màu biếc xanh. Đặc biệt hơn, từ khu rừng có mạch nước ngầm chảy ra, tạo thành một dòng suối có nước chảy bốn mùa chưa từng bị khô hạn.
Người dân lập miếu thờ thần rừng ngay dưới cây dổi tổ hàng trăm năm tuổi. |
Thật tuyệt vời nhưng cũng thật lạ kỳ khi dổi là loại gỗ quý thường được người dân vùng cao lựa chọn làm nhà cửa, đóng đồ gỗ, vậy mà người dân ở đây lại không mảy may xâm hại rừng để chặt gỗ làm nhà. Thậm chí lâm tặc luôn săn lùng loại gỗ này ráo riết, nhưng khu rừng dổi ở thôn Làng Cù vẫn vững trãi qua bao đời. Ông Đặng Văn Minh “bật mí”: Khu rừng dổi này là rừng cấm của thôn. Mỗi cây trong rừng được coi như một thành viên của thôn. Từ ngày xưa, các cụ đã nghiêm cấm mọi người vào rừng chặt cây, lấy củi. Người dân ở đây tin rằng ai vi phạm điều này sẽ bị thần rừng trừng phạt, nên không dám vào rừng cấm linh thiêng.
Theo lời của các cụ cao niên ở Làng Cù, rừng cấm hay còn gọi là rừng dổi, rừng miếu, là khu rừng cổ thụ lâu đời nhất vùng đất này. Có nhiều câu chuyện kỳ bí về sự linh thiêng của khu rừng cấm. Theo lời kể, vào những năm 80 của thế kỷ trước, có một nhóm thanh niên đến từ nơi khác, khi đi qua thấy khu rừng có nhiều cây cổ thụ quý đã nảy sinh ý định xâm hại. Khi vừa vung dao chặt được mấy nhát thì tay chân tê cứng, không di chuyển được, phải nhờ người khênh ra khỏi rừng. Được người già trong thôn chỉ bảo, họ sắm lễ tạ tội với thần rừng mới được bình an. Đó cũng chính là lý do tại sao sau hàng trăm năm, rừng dổi Làng Cù vẫn xanh tươi như vậy.
Theo truyền thống, mỗi năm người dân thôn Làng Cù tổ chức 4 ngày lễ cúng tạ ơn thần rừng, trong đó ngày lễ đầu tiên và được coi là quan trọng nhất được tổ chức vào ngày Dần đầu tiên của đầu năm mới. Từ quý hai trở đi, lễ cúng thần rừng được tổ chức vào các ngày lập hạ, lập thu, lập đông. Trong ngày diễn ra lễ cúng rừng, các hộ trong thôn dậy từ sớm dọn nhà cửa, sửa soạn bàn thờ tổ tiên. Mỗi hộ cử một đại diện là nam giới ra địa điểm cúng tế để dọn sạch sẽ khu vực miếu thờ, bàn thờ thần rừng, mang theo lễ vật xôi, gà, rượu, hương và giấy bản để in sênh tiền ngay tại khu vực cúng tế.
Thôn Làng Cù có 51 nóc nhà, đa số là đồng bào dân tộc Dao sinh sống quanh khu rừng thiêng. So với các thôn khác của xã Bản Cái, thì Làng Cù là thôn nằm trên cao, nơi thượng nguồn dòng suối Cù. Dạo quanh thôn một vòng, tôi thấy sự khởi sắc, ấm no trong đời sống của đồng bào Dao nơi đây. Trong thôn đã có nhiều nhà xây kiên cố mọc lên thay thế những ngôi nhà mái lợp lá cọ trước đây. Nhà nào cũng nhiều thóc, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hầu như nhà nào cũng sắm sửa được tiện nghi sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, xe máy. Đi trên tuyến đường trục thôn đã được trải bê tông xi măng phong quang, sạch đẹp, ông Đặng Văn Minh, Bí thư Chi bộ Làng Cù khoe với chúng tôi: Nhiều năm liền thôn không có hộ tảo hôn hoặc sinh con thứ 3, không có người mắc tệ nạn xã hội. Bà con đoàn kết góp công, góp của để đổ bê tông đường trục thôn với chiều dài gần 5 km.
Chia sẻ về những đổi mới của thôn, ông Bàn Văn Tiến, Trưởng thôn Làng Cù cho biết: Hướng phát triển kinh tế luôn được người dân tìm tòi, trong đó chuyển đổi gần 50 ha đất nương đồi trồng sắn, ngô kém hiệu quả sang trồng quế, nâng tổng diện tích quế của thôn lên 80 ha. Nhờ trồng quế, nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm như các hộ Đặng Văn Minh, Triệu Huy Điệp, Triệu Thị Khai… Cũng nhờ nguồn nước từ rừng mà hơn 40 ha lúa hai vụ của bà con trong thôn luôn xanh tốt, cho năng suất cao. Hiện thôn còn 9 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm.
Điều phấn khởi nhất đối với Trưởng thôn Bàn Văn Tiến là những năm gần đây, 100% học sinh trong thôn được đến trường. Làng Cù có nhiều cháu là học sinh giỏi, thi đỗ các trường đại học, cao đẳng. Thôn có 2 cháu đã học xong đại học, 3 cháu học xong cao đẳng và có việc làm ổn định, có 12 cháu đang học trung học phổ thông. Tin rằng những thế hệ măng non của Làng Cù sẽ đem tri thức tiến bộ để xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
Chia tay người dân Làng Cù trong buổi chiều tà, từng cơn gió nhẹ mang hơi ấm từ khu rừng quý như đang vẫy chào đầy lưu luyến. Nhìn những nếp nhà được xây dựng trên cao, bao quanh khu rừng chúng tôi mường tượng ra những viên gạch chắc chắn được xếp đặt để bảo vệ cho miệng giếng biếc xanh có chủ đích. Ngay dưới tán rừng dổi hàng trăm năm tuổi, những lớp cây non đang vươn mình đầy sức sống, mở ra một tương lai tươi sáng. Xanh mãi nhé “rừng giếng ngọc”.
Theo baolaocai.vn