Huyện Thống Nhất (Đồng Nai): Điểm sáng hội nhập và phát triển kinh tế
Năm 2004, huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) được chia tách, sáp nhập trên cơ sở 8 xã của huyện Thống Nhất và 2 xã của thị xã Long Khánh, huyện Xuân Lộc.
Từ chồng chất khó khăn đến quyết tâm bứt phá trong phát triển kinh tế
Theo Nghị định 97/2004/NĐCP, Huyện Thống Nhất là địa phương được điều chỉnh gồm 10 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó có 2 xã đặc biệt khó khăn (Xuân Thạnh và Xuân Thiện) và 01 xã thuộc vùng sâu (xã Lộ 25). Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của các cơ quan quản lý nhà nước rất thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, năng lực chuyên môn còn ít. Đời sống của nhân dân trên địa bàn còn khó khăn, hạn hán, dịch bệnh tác động xấu đến phát triển kinh tế…
Khu Công nghiệp Dầu Giây với quy mô hơn 300 ha, gần 20 doanh nghiệp đã tạo việc làm cho hàng ngàn công nhân |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đều ổn định và khá bền vững; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2018 đạt 58,3 triệu đồng/người/năm; chất lượng đời sống nhân dân được nâng lên.
Giá trị sản xuất tăng 24,5% so cùng kỳ, ước cả năm tăng 25,6% so năm 2017; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 26,7% so với cùng kỳ; giá trị ngành thương mại - dịch vụ tăng 19,03% so với cùng kỳ; hệ thống chợ trên địa bàn được đầu tư, nâng cấp và đi vào hoạt động hiệu quả. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp-xây dựng tiếp tục phát triển ổn định; giá trị sản xuất tăng 24,5% so cùng kỳ, ước cả năm tăng 25,6% so năm 2017.
Điểm sáng về xây dựng Nông thôn mới
Tiến hành xây dựng Nông thôn mới từ xuất phát điểm thấp, nhất là cơ sở hạ tầng trên các lĩnh vực giao thông nông thôn, giao thông nội đồng song cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Thống Nhất đã đồng lòng đoàn kết để trở thành huyện huyện Nông thôn mới năm 2015, 10/10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; đồng thời huyện đã tập trung chỉ đạo các xã tập trung nâng chất bằng việc thực hiện có hiệu quả bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay có 3/10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, trong đó xã Hưng Lộc là xã đầu tiên của cả nước đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Các chuyên gia khảo sát quá trình sản xuất cây tiêu tại xã Hưng Lộc. Cây tiêu được coi là “cây vàng” của người nông dân |
Ðể nâng cao năng suất cây trồng, ngành chức năng ở địa phương đã vận động nông dân mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, điển hình như ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiện và bón phân qua đường ống được 2.015 ha. Nhờ đó, đến nay tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt 3418 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 9 lần so với năm 2008 đạt 58, 3 triệu đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt và chăn nuôi đạt 107 triệu đồng/năm tăng 2,5 lần so với năm 2008.
Huyện Thống Nhất cũng được xem là thủ phủ ngành Chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai. Ðể tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, kết hợp phát triển chăn nuôi với trồng trọt, tạo sự phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, huyện đã triển khai thực hiện 20 khu chăn nuôi tập trung theo quy hoạch với tổng diện tích 2.341 ha trên địa bàn 8 xã tạo điều kiện cho nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, kết hợp phát triển chăn nuôi với phát triển trồng trọt tạo sự phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Tổng số trang trại trong khu chăn nuôi tập trung là 288 trang trại; Trong đó, tổng đàn heo trong khu chăn nuôi tập trung là 57.632 con và tổng đàn gà là 751.000 con.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, sau hơn một năm đi vào hoạt động, đến nay chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây đã có 150/260 ô, vựa mở cửa hoạt động, trung bình tiêu thụ 250 tấn/ngày thường, 300 tấn/ngày cuối tuần, vào mùa cao điểm thu hoạch nông sản, lượng tiêu thụ có thể đạt khoảng 400 tấn/ngày.
Bà Bùi Thị Bích Thủy-Bí thư Huyện ủy Thống Nhất cho biết: trong thời gian tới Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được sau 15 năm huyện Thống Nhất hình thành và phát triển.
Đồng thời, huyện tập trung vào các khâu đột phá gồm: lãnh đạo thực hiện tốt quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo hướng tăng năng suất chất lượng, giá trị trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và đẩy nhanh hiệu quả chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ; chủ động kêu gọi thu hút và khuyến khích đầu tư vào địa phương, góp phần tăng trưởng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; và đặc biệt sẽ chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại nhằm giải quyết nhanh chóng cho nhân dân và doanh nghiệp tạo động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.