Huyện Quốc Oai (Hà Nội) táo bạo đổi mới phương thức xây dựng NTM
Quốc Oai đã mạnh dạn đổi mới phương thức xây dựng chương trình NTM |
Hiệu quả rõ rệt
Quốc Oai là một huyện phía Tây của thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 20 km với 1 thị trấn và 20 xã. Trước đây, đời sống người dân nơi đây vẫn chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Để nâng cao thu nhập cho người nông dân trong bối cảnh bình quân diện tích ruộng đất theo đầu người hạn chế, nhiều xã ở huyện Quốc Oai tập trung cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, năng suất, hiệu quả đầu tư vào sản xuất nông nghiệp được nâng lên rõ rệt.
Ông Nguyễn Quang Thắm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai chia sẻ, bài học chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi quan trọng nhất là quy hoạch cây trồng, vật nuôi có giá trị thấp sang loại có giá trị cao nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Theo đó, đến nay, tổng diện tích đất quy hoạch của huyện Quốc Oai đã quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được hơn 1.200ha gồm diện tích đã quy hoạch phát triển trang trại gần 330ha; diện tích đất chuyển đổi sang cấy lúa kết hợp trồng rau, màu gần 140ha. Ngoài ra, chuyển đổi 88ha từ lúa sang trồng cây ăn quả, cây màu và gần 60ha sang mô hình chăn nuôi xa dân cư; diện tích chuyển đổi từ lúa kết hợp nuôi thủy sản gần 150ha.
Huyện Quốc Oai đã triển khai thực hiện đề án phát triển cây ăn quả tại xã Đại Thành, cải tạo vườn tạp xã Đông Yên, Hòa Thạch, Phú Mãn; phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại xã Cấn Hữu; thực hiện thí điểm chính sách ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại nhiều xã...
Thông qua công tác dồn điền đổi thửa, UBND huyện Quốc Oai đã phê duyệt quy hoạch chuyển 95% đất nông nghiệp của xã sang sản xuất chuyên canh trồng nhãn chín muộn. Đây là giống nhãn chất lượng ngon, đặc biệt, thời gian thu hoạch muộn hơn so giống nhãn đại trà khoảng 1 tháng từ 20/8 đến 20/9 nên giá trị kinh tế cao. Hiện nay, xã Đại Thành có diện tích trồng nhãn là 155ha, năm qua, sản lượng nhãn quả của xã đạt gần 2.000 tấn giá trị ước đạt 40 tỷ đồng. Kinh tế phát triển, nhân dân Đại Thành đồng thuận, phấn khởi xây dựng quê hương ngày một đổi mới. Cuối năm 2016 vừa qua, thành phố Hà Nội công nhận Đại Thành là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đổi mới trong công tác lãnh đạo
Đi đôi với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Quốc Oai tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Xác định, giao thông là xương sống để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vì vậy, tại các xã thực hiện dồn điền đổi thửa, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được kiên cố hóa bảo đảm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Qua tính toán, toàn huyện đã làm mới, nâng cấp cải tạo gần 785km đường giao thông, trong đó, làm mới gần 540km; làm mới và nâng cấp cải tạo gần 708km kênh mương nội đồng.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: “Bản thân tôi đã cùng trưởng các phòng, ban của huyện trực tiếp làm việc với từng xã để rà soát phương án phân công của xã, giải quyết những khó khăn, tồn tại, vướng mắc của các xã trong quá trình thực hiện”. Qua thực tế rà soát và đánh giá, xét thấy xã Đông Xuân có đủ điều kiện phấn đấu đạt chuẩn và huyện có đủ điều kiện huy động nguồn lực hỗ trợ nên Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục xây dựng bổ sung kế hoạch và giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành tập trung hỗ trợ xã Đông Xuân về đích nông thôn mới. Đến nay, sau khi đoàn kiểm tra của thành phố tiến hành đánh giá và chấm điểm đã khẳng định cả 6 xã đủ điều kiện đạt chuẩn, trong đó, có những xã đạt 98 điểm. Như vậy, đến cuối năm 2016, Quốc Oai có 16/20 xã đạt chuẩn. Còn 4 xã còn lại, trong năm 2017 huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo và hỗ trợ về đích để 100% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn.
Chia sẻ bí quyết thành công trong chương trình xây dựng NTM ông Quyền cho rằng, những kinh nghiệm quan trọng, mang tính quyết định đối với công tác xây dựng là sự đổi mới về phương thức, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo. Thứ nhất, huy động việc vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở. Thứ hai, giao rõ nhiệm vụ cho từng ngành, từng địa phương, cá nhân đặc biệt là người đứng đầu, mục đích nhằm phát huy tối đa hiệu quả của toàn bộ hệ thống chính trị, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Thứ ba, cân đối và khai thác hợp lý các nguồn lực để thực hiện.
Trên cơ sở đổi mới phương pháp và cách làm như trên, thời gian qua, huyện Quốc Oai đã đánh thức và khai thác được sức mạnh tập thể, từng bước tạo dựng được lòng tin của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.