Huyện Minh Long nỗ lực vượt khó trong chương trình xây dựng nông thôn mới
Minh Long là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Huyện có 5 xã với 16.683 nhân khẩu. Trong đó, chủ yếu là người dân tộc Hre, chiếm 71% dân số trong toàn huyện.
Huyện Minh Long triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2011.
Để đáp ứng cơ bản các tiêu chí về xây dựng NTM, ngay từ những ngày đầu triển khai, huyện Minh Long đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp huyện và xã, phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cụ thể tới mỗi thành viên.
Để thống nhất nội dung thực hiện, BCĐ huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các thành viên xuống cơ sở đôn đốc triển khai kế hoạch xây dựng NTM, tiến hành thẩm định Đề án xây dựng NTM ở cấp xã; đồng thời tiến hành kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện và công tác nghiệm thu, thanh quyết toán.
Bên cạnh đó, coi tuyên truyền, vận động nhân dân đồng lòng, chung sức xây dựng NTM là việc làm trọng tâm, nên đã chỉ đạo cho phòng VHTT, đài TT-PLTH huyện treo băng rôn, kẻ vẽ pa nô, áp phích, đưa chuyên mục tin kết quả chỉ đạo, thực hiện chương trình.
Đứng trước thực tế đời sống người dân còn nhiều khó khăn, huyện Minh Long đã xác định thực hiện chương trình xây dựng NTM trên nền tảng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân.
Huyện miền núi Minh Long (Quảng Ngãi) đang thay đổi từng ngày khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới |
Từ đó, huyện không ngừng tập trung mở rộng diện tích đất nông nghiệp, đất triền đồi, trong đó đặc biệt phát triển cây sắn, cây keo lai, giống lúa mới. Đồng thời phát triển đàn bò, trâu hàng hóa và trồng cỏ chăn nuôi. Bởi đây được coi là hướng đi chính trong công tác xóa đói giảm nghèo của huyện. Với những nỗ lực đó, đến nay tỉ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống chỉ còn 46,22% (giảm 6,55% so với năm 2011).
Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi và các nguồn vốn khác, huyện đã phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả, trong đó chú trọng xây dựng xã Long Sơn để tạo mô hình điểm.
Trong giai đoạn thực hiện chương trình xây dựng NTM mới (2017 -2020), huyện Minh Long quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2017 đưa xã Long Sơn đạt 15/19 tiêu chí. Đến năm 2020, huyện sẽ có 2 xã đạt chuẩn NTM là Long Sơn và Long Mai; các xã còn lại cố gắng phấn đấu mỗi năm đạt 2 -3 tiêu chí.
Nhờ đó, sau 5 năm, xã Long Sơn đã có nhiều thay đổi đáng kể, hệ thống giao thông, điện, trường học... đã và đang được xây dựng kiên cố. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Các tuyến đường phần lớn đã được bê tông; đường làng, ngõ xóm được mở rộng, khang trang, sạch đẹp.
Đây là kết quả của việc nỗ lực trong xây dựng NTM của địa phương. Được chọn làm xã điểm trong xây dựng NTM. Đến nay Long Sơn đã hoàn thành được 12/19 tiêu chí.
Để có kết quả đó, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, người dân địa phương tự nguyện hiến đất, đốn cây, phá bỏ tường rào để mở rộng nhiều tuyến đường... trị giá hàng trăm triệu đồng.
Một kết quả nổi bật trong quá trình xây dựng NTM của xã là công tác xóa đói giảm nghèo.
Tỷ lệ giảm nghèo của xã năm 2016 là 41,18%, đến nay theo thống kê sơ bộ đã giảm xuống còn 27%. Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, ông Võ Văn Gấm cho biết: “Mặc dù còn nhiều việc phải làm nhưng những kết quả đạt được sẽ là động lực để địa phương và người dân nỗ lực hoàn thành chương trình xây dựng xã NTM”.
Ngoài Long Sơn, trên địa bàn huyện Minh Long hiện có xã Long Mai cũng đã đạt 12/19 tiêu chí NTM, các xã còn lại đạt từ 7 – 9 tiêu chí.
Do điều kiện phát triển kinh tế còn khó khăn, nguồn lực trong dân hạn chế nên việc huy động vốn cho chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện cũng gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, kết quả đạt được đó là một sự cố gắng lớn của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các hội đoàn thể, đặc biệt là sự đồng thuận trong dân.
Trong 5 năm (2012-2017) triển khai thực hiện chương trình NTM, huyện Minh Long được đầu tư trên 196 tỷ đồng. Để thực hiện có hiệu quả chương trình này, huyện đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế trong dân thông qua việc khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng, chăn nuôi bò nhốt chuồng, trồng lúa nước, cây ăn quả...
Nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho người dân, như mô hình trồng lúa, chăn nuôi bò, trâu, trồng mía trên đất gò đồi... Nhờ đó, đời sống của người dân đã dần ổn định, thu nhập không ngừng được nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 5% mỗi năm trở lên. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 40,98%.
Ngoài ra, huyện cũng tranh thủ nhiều nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng NTM. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng trên địa bàn từng bước được hoàn thiện, làm được 68,86km đường trung tâm huyện, xã và đường trong thôn, xóm. Đầu tư xây dựng 5 trường học các cấp, 2 nhà văn hóa xã, nhà thi đấu thể thao trung tâm huyện, 6 đập dâng và kiên cố hóa 36 tuyến kênh...
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long, ông Đinh Văn Điết, cho biết: Để đạt được những mục tiêu chương trình xây dựng NTM đã đề ra, huyện tăng cường công tác thông tin để người dân hiểu rõ xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm phát triển nông thôn toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Từ đó, nâng cao nhận thức, phát huy nội lực của cộng đồng dân cư nông thôn, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại của một số bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh"; phát huy vai trò chủ thể và tính tích cực của người dân, cộng đồng thôn, xóm và sự đồng thuận cao trong dân.