Huyện Cô Tô đạt chuẩn nông thôn mới
Một góc huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh (ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm công bố theo quy định và khen thưởng theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".
Cô Tô là huyện đảo nằm ở phía đông tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền 100 km về phía đông bắc Vịnh Bắc Bộ. Huyện có 50 đảo lớn nhỏ, trong đó có 3 đảo lớn: đảo Cô Tô, đảo Thanh Lân và đảo Trần. Cô Tô có 3 đơn vị hành chính, gồm 2 xã và 1 thị trấn.
Sau hơn 4 năm triển khai chương trình nông thôn mới, đến nay, 2/2 xã trên địa bàn huyện Cô Tô đã hoàn thành 19/19 tiêu chí với 37/37 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí Quốc gia và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó một số chỉ tiêu, tiêu chí của huyện đạt chất lượng cao như: Cơ cấu lao động và thu nhập chuyển dịch, tăng trưởng mạnh với sự đóng góp của du lịch dịch vụ tăng trên 20%/năm; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,3%; tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm đạt 100%.
Các tuyến đường liên thôn, ngõ xóm của huyện được nhân dân hiến đất, góp công bê tông hóa 100%; toàn huyện đã cứng hóa được 10,04/12,1km kênh, mương; xây mới, nâng cấp 9 hồ chứa; 9/10 trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn.
Tỷ lệ hộ nông dân được sử dụng nước hợp vệ sinh trong toàn huyện đạt 95%, trong đó 73% số hộ được sử dụng nước sạch (Cô Tô là một trong số ít huyện có tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch ở mức cao nhất cả nước).
Thu nhập bình quân đầu người của huyện Cô Tô năm 2014 đạt 45 triệu đồng, trong đó, khu vực nông thôn đạt 35 triệu đồng; mức tăng trưởng bình quân khu vực nông thôn giai đoạn 2011 - 2014 ước đạt 14%/năm. Trong 4 năm, huyện đã giúp 59 hộ thoát nghèo. Hiện nay, số hộ nghèo toàn huyện chiếm tỷ lệ 0,49%.
Như vậy đến thời điểm này, Cô Tô là huyện thứ 2 (sau Đông Triều) của tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Để đạt được thành quả trên, huyện đảo Cô Tô đã có rất nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn để đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ngay từ những ngày đầu tiên, mỗi người dân Cô Tô đều xác định xây dựng nông thôn mới không phải là một cuộc đầu tư của Nhà nước, mà đây chính là một cuộc vận động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó người dân làm chủ thể. Tư tưởng thông suốt đó xuất phát từ việc chú trọng công tác tuyên truyền đến nhân dân. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Cô Tô tiến hành đồng thời việc triển khai, phân kì các tiêu chí để thực hiện.
Bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2010, trong 3 năm huyện đảo đã giải quyết được 3 tiêu chí khó nhất đó là nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất; hệ thống điện; giao thông kết nối giữa đảo với đất liền. Giải quyết vấn đề nước sinh hoạt trên đảo, Cô Tô đã đầu tư nâng cấp 12 hồ chứa nước ngọt, trong đó hồ chứa nước ngọt Trường Xuân chỉ trong một năm xây dựng với dung tích 170.000m3 nước đã đáp ứng tốt nhu cầu nước cho nhân sinh hoạt và sản xuất vào cuối năm 2012. Tiếp đó, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và Trung ương dự án thế kỉ đưa điện lưới ra đảo đã khánh thành, hòa lưới điện Cô Tô vào tháng 10 năm 2013, có giá trị đầu tư 1.107 tỉ đồng.
Khi hai tiêu chí đó được hoàn thành, khó khăn thứ ba là hệ thống giao thông thủy cũng được giải quyết nhanh chóng, lượng khách đến với đảo tăng nhanh qua từng năm, tính từ đầu năm đến nay Cô Tô đã đón gần 170 ngàn lượt khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 2 trăm tỉ. Nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân huyện đảo với đất liền cũng theo đó tăng lên, nhiều các doanh nghiệp, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tàu cao tốc, rút ngắn thời gian đi lại, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, từ 2 đến 3 chuyến tàu mỗi ngày đã nâng lên 20 đến 30 chuyến/ngày (vào ngày cao điểm).
Bên cạnh việc tập trung phát triển dịch vụ du lịch, sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung. Trong quá trình XDNTM, huyện Cô Tô cũng hết sức chú trọng việc phát triển khai thác thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề trên đảo được đầu tư hơn 400 tỉ đồng đã trở thành nơi neo đậu, tránh bão của hàng ngàn ngư dân đánh bắt trong vùng biển Cô Tô. Sau khi khu dịch vụ tại đây đi vào hoạt động, khu vực hậu cần nghề cá sẽ là nơi cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho ngư dân như dầu diezel, nước ngọt, hàng đông lạnh, lương thực, vật tư ngư nghiệp… cho khoảng 2.000 tàu đánh bắt hải sản, bám biển dài ngày và trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá sầm uất của cả khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ.
Nâng cao thu nhập cho người dân được cho là tiêu chí quan trọng nhất trong bộ tiêu chí, với phương pháp khuyến khích từ việc ban hành các quy chế hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở kết hợp đón khách du lịch, với phương thức hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện trong vòng 5 năm, người dân vừa có nguồn thu nhập ổn định vừa nâng cao được đời sống sinh hoạt, đưa tăng trưởng bình quân 5 năm ước đạt mức 13,35%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 900 USD năm 2010 lên 2.050 USD năm 2014; tỉ lệ hộ nghèo cũng giảm mạnh qua từng năm, năm 2010 là 7,6%, đến cuối năm 2014 chỉ còn 0,49%; 100% trường học trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I.
5 năm Kết quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo đà cho sự phát triển chung của huyện đảo Cô Tô trong tương lai.