Hút mỡ bụng có phải biện pháp giảm cân tối ưu?
Vì muốn giảm cân nhanh nhiều chị em chọn giải pháp hút mỡ bụng. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo, đây không phải cách tối ưu.
Hút mỡ bụng có phải biện pháp giảm cân tối ưu? |
Ths. BS Hoàng Thanh Tuấn Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Viện bỏng Quốc gia (Hà Nội) cho biết, hút mỡ bụng không phải là giải pháp tối ưu cho người muốn giảm cân thậm chí nếu không được thực hiện ở cơ sở đảm bảo, an toàn còn gây ra những biến chứng nặng nề nhẹ thì hoại tử da nặng thì tử vong. Thực tế đã có trường hợp tử vong do hút mỡ bụng giảm béo.
Theo đó, hút mỡ là biện pháp kiến tạo và lấy lại đường nét và vóc dáng của cơ thể do mỡ dưới da gây ra thông qua việc loại bỏ mỡ thừa dưới da.
"Hút mỡ bụng là biện pháp ngoại khoa giúp loại bỏ mỡ thừa một cách nhanh chóng và an toàn đối với những cơ sở uy tín và bác sĩ có kinh nghiệm, tuy nhiên, khi những cơ sở không uy tín hoặc bác sĩ không có kinh nghiệm sẽ đối diện với nhiều nguy cơ như chảy máu, tụ dịch, nhiễm trùng với những biến chứng nặng hơn có thể là hoại tử da do hút mỡ quá nông, hút sai lớp que hút đâm rách cơ, thủng tạng. Ngoài ra còn có thể đối diện với những nguy cơ nguy hiểm khác như ngộ độc thuốc tê khiến bệnh nhân tử vong mà thời gian gần đây báo đài đưa tin", Ths. BS Hoàng Thanh Tuấn nhấn mạnh.
Biện pháp giảm cân tốt nhất và sinh lý nhất là ăn kiêng và luyện tập đều đặn khoa học, không nên sử dụng thuốc giảm cân, massage hay tiêm tan mỡ nhằm mục đích giảm cân, giảm mỡ. Trong trường hợp bạn vẫn muốn tiến hành hút mỡ, theo BS Tuấn, dù là hút mỡ 1 vùng (như nọng cằm) đến hút mỡ toàn thân (như bụng, lưng, tay, đùi, bắp chân…) đều phải tuân thủ theo các quy định của Bộ Y tế.
Theo đó, quy trình gây mê đúng quy định sẽ tùy thuộc vào số vùng hút mỡ và lượng mỡ hút ra mà bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật giảm đau phù hợp để giúp vô cảm, loại bỏ 100% cảm giác đau trong quá trình thực hiện hút mỡ, dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức và kỹ thuật viên phụ mê.
Đặc biệt, người hút mỡ sẽ được thực hiện bộ xét nghiệm trước phẫu thuật: công thức máu, sinh hóa máu, nước tiểu, điện tim, X-quang, siêu âm tổng quát. Song song đó là vòng khám lâm sàng của bác sĩ phẫu thuật và một vòng khám trước mê của bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức.
"Ở các cơ sở đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, chỉ khi các bạn đủ yêu cầu về sức khỏe, khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần thì chúng tôi mới tiến hành phẫu thuật. Mục tiêu an toàn luôn được đề cao hàng đầu", BS Hoàng Thanh Tuấn nhấn mạnh.
Một lần nữa, vị bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ nhấn mạnh, hút mỡ bụng phải được thực hiện tại bệnh viện theo đúng quy trình của Bộ Y tế và được sử dụng biện pháp giảm đau dưới dạng gây mê hoặc tiền mê kết hợp tê tại chỗ tùy thuộc vào số lượng mỡ hút ra số lượng vùng hút mỡ.
"Tuyệt đối không hút mỡ ở cơ sở không phải là bệnh viện", BS Hoàng Thanh Tuấn nhấn mạnh.
Thừa nhận mặt tối ưu của việc hút mỡ bụng mang lại kết quả ngay sau khi thực hiện. Theo đó, đường nét và vóc dáng thon gọn đi kèm là giảm cân do lượng mỡ được hút ra.
Kết quả này sẽ ổn định và đẹp hơn sau khoảng ba đến sáu tháng. Tuy nhiên, để giữ được kết quả này, sau khi hút mỡ thành công khách hàng cần giữ cân nặng ở mức sau khi hút mỡ và duy trì chế độ tập luyện khoa học để kết quả hoàn hảo hơn.
"Cơ thể hoàn toàn có thể tăng cân trở lại khi năng lượng đầu vào nhiều, dư thừa (ăn nhiều) mà năng lượng đầu ra lại ít (lười vận động) nếu chúng ta ăn uống không khoa học và lười vận động khi đó cân nặng cơ thể sẽ tăng sẽ tích mỡ vào những vùng chưa hút mỡ nhiều hơn thậm chí tích vào nội tạng. Do đó, để duy trì kết quả và cân nặng sau khi hút mỡ thành công chúng ta chỉ cần giữ cân", BS Hoàng Thanh Tuấn nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về chế độ ăn cho người béo phì, TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đưa ra một số gợi ý chế độ ăn đặc biệt cho người béo phì.
Theo đó, người béo phì nên ăn chế độ thấp năng lượng, là chế độ ăn dạng lỏng, năng lượng 800Kcal/ngày, vẫn đảm bảo giàu protein có giá trị sinh học cao và bổ sung đủ các vitamin, khoáng chất, điện giải và các axit béo cần thiết.
Việc thực hiện chế độ ăn rất thấp năng lượng chỉ nên kéo dài 12-16 tuần và dạng ăn này thay thế hoàn toàn các bữa ăn với thức ăn thông thường. Chế độ này được áp dụng chỉ khi được chỉ định và theo dõi bởi bác sỹ và chỉ dùng cho người béo phì có BMI>30, và nhất là những người có các bệnh rối loạn kèm theo như: đái tháo đường typ 2, tăng huyết áp, tăng lipid máu, có cơn ngừng thở khi ngủ.
Phương pháp thay thế bữa ăn bằng uống: khác với chế độ ăn rất thấp năng lượng là chỉ có 1 hoặc 2 bữa ăn được thay thế bằng dạng uống chứ không phải là toàn bộ khẩu phần ăn.
Ngoài việc áp dụng một chế độ ăn đặc biệt, TS Sơn lưu ý, nam giới béo phì nên duy trì việc luyện tập thể thao ít nhất 30phút /ngày với các loại hình như đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp…
“Với 1kg chất béo của cơ thể cung cấp đủ năng lượng cho đi bộ hoặc đi bộ nhanh 100km. Nếu đi bộ được 2.5km (tức là mất 20 – 30ph đi bộ) một ngày và thực hiện đều đặn như vậy trong 5ngày/tuần thì có thể giảm được khoảng 6,5kg chất béo trong vòng 1 năm với điều kiện không ăn thừa năng lượng”, TS. BS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.
N. Huyền