Thừa cân, béo phì ở phụ nữ mang thai và những nguy cơ mà chị em cần phải biết
Hiện nay bởi béo phì khi mang thai là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sảy thai, dị tật bẩm sinh, sinh non, tiền sản giật, người mẹ có thể ngừng thở khi ngủ.
Phụ nữ mang thai thừa cân béo phì đối diện với nhiều nguy cơ |
Theo thống kê tại các nước phát triển có từ 6-10% phụ nữ mang thai mắc thừa cân béo phì trong đó có Việt Nam.
Riêng tại khoa Điều trị theo yêu cầu - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, trong 9 tháng đầu năm đã có 28 sản phụ mắc hội chứng này. Đây là con số đáng lưu ý hiện nay bởi béo phì khi mang thai là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sảy thai, dị tật bẩm sinh, sinh non, tiền sản giật, người mẹ có thể ngừng thở khi ngủ…
Một trường hợp điển hình, sản phụ N.T.P.A, 29 tuổi, địa chỉ tại Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh nhập viện cấp cứu tại khoa Điều trị theo yêu cầu trong tình trạng: Thai 35 tuần 1 ngày, ra máu âm đạo trên người mẹ có thể trạng to béo.
Qua thăm khám và làm xét nghiệm cần thiết các bác sĩ chẩn đoán sản phụ chuyển dạ đẻ lần 2, rau tiền đạo chảy máu, ngôi ngang, mắc tiểu đường thai kỳ (đường máu cao nhất 14mmol/l), béo phì BMI=36,9, thai nhi nặng 2.450 gram.
Sản phụ ngay sau đó đã được phẫu thuật bắt con, điều trị kết hợp nội tiết. Hiện tại hậu phẫu mẹ và con ổn định.
Một trường hợp khác cũng rơi vào cảnh tương tự khi người mẹ có chỉ số BMI lên đến 56.6 dẫn đến tình trạng tiền sản giật nguy cơ tử vong cao trong quá trình phẫu thuật bắt con.
BSCKII. Vũ Thị Dung, khoa Điều trị theo yêu cầu cho biết, thừa cân là khi chỉ số khối cơ thể (BMI) nằm trong khoảng từ 25 - 29,9, béo phì BMI từ 30 trở lên. Ở các nước đang phát triển, tình trạng béo phì khá phổ biến, tập trung ở các thành phố lớn hơn ở nông thôn.
“Nguyên nhân dẫn đến béo phì ở sản phụ là do người mẹ cung cấp quá nhiều chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai hoặc trước khi mang thai đã bị thừa cân béo phì”, BS Dung lý giải.
Theo đó, béo phì gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe sản phụ và thai nhi. Sản phụ có thể bị tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, ngưng thở khi ngủ, nguy cơ tắc mạch sau phẫu thuật, nhiễm khuẩn vết mổ…
Sản phụ N.T.P.A đang điều trị tích cực |
Đối với trẻ sơ sinh rất dễ bị thai nhi quá lớn (Macrosomia), sảy thai, mắc dị tật bẩm sinh ở tim hay dị tật ống thần kinh, sinh non, thai chết lưu (chỉ số BMI càng cao thì nguy cơ này càng lớn).
Do đó, để đảm bảo an toàn cho sản phụ và thai nhi các bác sĩ khuyến cáo đối với phụ nữ béo phì khi mang thai cần:
Giảm cân trước khi mang thai (từ 5-7kg);
Tập thể dục từ 5 phút mỗi ngày và tăng dần đến 30 phút mỗi ngày (Bơi lội);
Ăn uống khoa học, hợp lý trong quý 3 của thai kỳ cần bổ sung trung bình 300 calo mỗi ngày;
Dùng thuốc điều trị giảm cân trước khi có thai nếu đã tập luyện và điều chỉnh chế độ ăn mà BMI> 30 , hoặc BMI> 27 có kèm theo bệnh đái đường hoặc tim mạch;
Phẫu thuật giảm béo(trì hoãn có thai từ 12-24 tháng);
Ngoài ra, BS Dung cũng lưu ý đối với phụ nữ béo phì có thai cần theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cụ thể, trong 3 tháng đầu (12 tuần) phải kiểm tra chỉ số đường huyết, chức năng gan , thận, huyết áp và xét nghiệm sàng lọc thai nhi;
Trong 3 tháng giữa từ 26 đến 28 tuần xét nghiệm đường huyết và làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết, nhằm giảm thiểu nguy cơ tiền sản giật và đái đường thai kỳ; Trong 3 tháng cuối: Nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, đẻ khó do vai, đẻ non…
N. Huyền