Trái khoáy nghề đi tour: Đối tác đòi... ngủ chung phòng với nữ hướng dẫn viên
Bài học rút ra từ vụ việc là chính hướng dẫn viên phải được trang bị và tự trang bị các kỹ năng phòng chống rủi ro trên suốt hành trình và phải được rèn luyện, trau dồi hàng ngày để có thể thành thục, “tác chiến” ngay khi gặp sự cố.
Trao đổi với PV về việc này, Nguyễn Quốc Hoài Phong - Phòng hướng dẫn lữ hành WindTeam (chuyên cung cấp hướng dẫn viên cho các đơn vị lữ hành) thuộc Công ty Du ngoạn Đà Lạt cho biết: Một thực tế là trong quá trình công tác hay làm việc thì rất ít công ty trang bị cho hướng dẫn viên phương pháp phòng tránh rủi ro mà đa phần hướng dẫn viên tự trang bị cho mình là chính, vì tất cả hướng dẫn viên phần lớn là freelancer (người làm nghề tự do).
“Hiện nay chủ yếu hướng dẫn viên tự trang bị cho mình kỹ năng như đề phòng trộm cướp hoặc khi bị tấn công, bị quấy rối tình dục; thậm chí hiếp dâm. Việc này đa phần cá nhân tự trang bị kiến thức, kỹ năng.
Các công ty giao tour cho hướng dẫn viên nhắc nhở khá ít ỏi về phần này, thi thoảng cũng có những buổi training (huấn luyện) về những kỹ năng phòng tránh rủi ro nhưng không nhiều. Có chăng sẽ chỉ nhắc nhở hướng dẫn viên về tuyến điểm tour mà mình sắp đưa khách tới.
Mình cho rằng, hướng dẫn viên là đại sứ du lịch, bộ mặt của công ty, nên trước khi dẫn đoàn, bản thân luôn phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng tất cả các khâu. Bao gồm, tìm hiểu kỹ về điểm đến, nhiệt độ nơi khách sẽ đến, thức ăn ra sao, văn hóa ứng xử, thậm chí lường trước những rủi ro mình và du khách bất cẩn có khi gặp phải trên hành trình du lịch thì xử lý thế nào...
Và để hạn chế những điều không mong muốn, công ty mình đa phần chỉ sử dụng hướng dẫn viên thành thạo tuyến điểm”, anh Hoài Phong chia sẻ.
Khi hướng dẫn viên đa số là nam, việc phòng chống quấy rồi tình dục và hiếp dâm ít được nhắc đến.
“Đơn vị mình thì hiện có 4 hướng dẫn viên nữ, khi phân tour xa thì công ty luôn nhắc hướng dẫn viên nữ rất kỹ và đặt phòng nội bộ riêng cho hướng dẫn viên nữ.
Có một điều tối kỵ, bất cứ doanh nghiệp lữ hành nào cũng phải lưu ý nhất, đó là không được để hướng dẫn viên nữ ngủ chung với tài xế. Đó cũng là một cách phòng tránh những rủi ro cho các nữ hướng dẫn viên.
Còn rủi ro như vụ việc đáng tiếc của nữ hướng dẫn viên tại Hà Giang thì nói chung vẫn do ý thức phòng vệ cá nhân và những kỹ năng tự bảo vệ mình khi đi tour”, anh Phong nói thêm.
Anh Phong cũng thừa nhận, nếu hướng dẫn viên, nhất là hướng dẫn viên nữ, được trang bị những kỹ năng phòng tránh rủi ro chung thì sẽ an toàn hơn và gần như không xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Anh kể, gần đây nhất, công ty anh có nhận 1 booking của 1 công ty đối tác yêu cầu hướng dẫn viên nữ dắt tuyến Tây Nguyên với 5 đêm và 4 ngày.... Điều hành công ty đối tác đi cùng và yêu cầu ngủ chung với hướng dẫn viên nữ và tài xế (lưu trú chung phòng nội bộ).
Hướng dẫn viên nữ phản ánh lại, không đồng ý, ngay lập tức công ty đưa ra phương án: Đổi hướng dẫn viên nam đi tour hoặc huỷ tour nếu đối tác không chấp nhận đổi hướng dẫn viên.
Và cuối cùng phương án công ty chọn ở đây là huỷ tour.
“Việc hủy tour cũng có những tổn thất nhất định cho công ty, nhưng là đơn vị làm du lịch chuyên nghiệp, mình nghĩ đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cũng như mang lại cho nhân viên của mình thời gian làm việc thoải mái nhất.
Có thể phía công ty lo “hơi xa” việc hướng dẫn viên nữ ngủ chung trong phòng nội bộ, nhưng rõ ràng nguy cơ là có, và phòng được nguy cơ rủi ro là điều tốt nhất. Vì thế, mình chấp nhận hủy tour thay vì để hướng dẫn viên nữ của công ty đối mặt với những rủi ro không đáng có.
Từ thực tế, công ty sẽ chú trọng hơn việc trang bị cho hướng dẫn viên những kỹ năng phòng chống rủi ro. Bởi lẽ, rủi ro nào cũng có khả năng xảy ra, nhưng làm đúng, tuân thủ nguyên tắc ngay từ đầu thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro.
Các kỹ năng cần có phải được rèn luyện, trau dồi hàng ngày để có thể thành thục, “tác chiến” ngay khi gặp sự cố, nhất là khi đối diện với những tên biến thái”, anh Phong chia sẻ.
Hoàng Thanh