Huế: Tái hiện lễ tế Xã Tắc thời Nguyễn
Huế: Tái hiện lễ tế Xã Tắc thời Nguyễn
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ VN tỉnh Thừa thiên - Huế chủ trì lễ tế Xã Tắc - Ảnh: BĐ |
Lễ tế Xã Tắc là một đại lễ hết sức quan trọng đối với người dân Huế, là một nghi lễ cung đình truyền thống được phục dựng lại từ thời Nguyễn. Lễ tế Xã Tắc (tế thần đất và thần lúa) là một trong những đại tự thời phong kiến, nhằm tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu cho đất nước bình yên, mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu.
Dâng hương lên thần đất và thần lúa - Ảnh: BĐ |
Tham gia Lễ tế là hơn 300 nhạc công, diễn viên của Đoàn nghệ thuật cung đình Huế cùng hàng ngàn người dân địa phương và du khách. Lễ tế chính thức bắt đầu lúc 23h ngày 8/3 với 2 phần chính gồm: Phần đầu là phục dựng lại các nghi lễ có tính chất trình diễn và phần thứ hai là tổ chức dâng hương cầu an.
Hoá vàng sớ cầu nguyện sau lễ tế - Ảnh: BĐ |
Đàn Xã Tắc được trang trí lộng lẫy với đầy đủ nghi trượng, cờ xí, đèn lồng, tượng trưng cho sự hội tụ của các thành tố trong vũ trụ như mặt trăng, mặt trời, âm dương… Đặc biệt, năm nay sẽ không còn cảnh vua giả như những năm trước mà thay vào đó đích thân Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đại diện cho các tầng lớp nhân dân chủ trì đại lễ. Bên cạnh đó lễ tế năm nay không có đoàn ngự đạo rước Hoàng Thành đến Xã Tắc và đoàn ngự đạo hồi cung như các năm trước.
Đông đảo người dân và du khách tham dự lễ tế Xã Tắc rạng sáng 9/3 - Ảnh: BĐ |
Đàn Xã Tắc được xây dựng vào năm 1806 dưới triều vua Gia Long, là một công trình đặc biệt quan trọng của Kinh đô Huế. Để xây dựng Đàn Xá Tắc, Vua đã ra lệnh cho các thành, dinh, trấn toàn quốc phải đóng góp đất sạch về để đắp lên. Vì vậy đàn Xá Tắc còn có ý đặc biệt linh thiêng, nơi hội tụ đất đai của cả nước.
Mặc dù mới được khôi phục và tái dựng lại không lâu, nhưng đến nay Lễ tế Xã Tắc đang được xã hội hóa để trở thành một lễ hội cộng đồng thu hút đông đảo nhân và du khách tham gia.
BÌNH ĐỊNH