Hơn 30 triệu USD hỗ trợ Việt Nam tăng cường chống biến đổi khí hậu
Ngày11/3, tại cuộc họp Ban điều hành - lần thứ 25, Quỹ Khí hậu Xanh đã phê duyệt khoản viện trợ 30,2 triệu đô la Mỹ cho dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam” (SACCR).
Dự án sẽ thực hiện trong sáu năm và trực tiếp mang lại lợi ích cho hơn 222.400 người dân ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa |
Dự án có cách tiếp cận tích hợp và sáng tạo nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu do Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cơ quan đầu mối quốc gia Quỹ Khí hậu Xanh (NDA) thiết kế, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Dự án sẽ thực hiện trong sáu năm và trực tiếp mang lại lợi ích cho hơn 222.400 người dân ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa - khoảng 10% dân số của các tỉnh đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số, với mục tiêu: hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu, cải thiện an ninh nguồn nước và sinh kế, tăng cường kiến thức về rủi ro khí hậu và áp dụng kỹ thuật nông nghiệp có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, và tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp và thông tin thị trường.
Hơn 335.000 người dự kiến sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ tăng cường năng lực thông qua đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường tiếp cận thông tin về rủi ro khí hậu và phổ biến rộng rãi các thực hành tốt nhất về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, dự án SACCR sẽ hỗ trợ các nông hộ quy mô nhỏ kết nối với các hệ thống thủy lợi do ADB tài trợ. Trong khuôn khổ dự án, các lớp tập huấn tại đồng ruộng dành cho nông dân sẽ đào tạo về thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông dân nghèo cũng sẽ được đào tạo về kế hoạch kinh doanh nhỏ, bao gồm hỗ trợ tiếp cận tín dụng và liên kết với thị trường. Các nhóm sử dụng nước ở địa phương sẽ quản lý việc cung cấp nước đồng thời các bên liên quan trong chuỗi giá trị cùng hợp tác sẽ giúp đảm bảo việc tiếp cận thị trường và tín dụng.
Dự án cũng góp phần thực hiện đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC) của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.