Học từ xa, học qua mạng góp phần xây dựng xã hội học tập
Thời gian qua, để xây dựng xã hội học tập, công tác tuyên truyền được triển khai tích cực nhất là với hình thức học tập từ xa.
Học tập từ xa mở ra nhiều cơ hội học tập tốt hơn, có chất lượng hơn gắn liền với giáo dục mở với nền tảng để thực thi là chuyển đổi số, công nghệ số. Nhận biết được điều đó, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở GD&ĐT, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường các hình thức dạy học qua Internet và trên truyền hình.
Cùng với đó là phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông huy động các doanh nghiệp chuyển đổi số hỗ trợ ngành giáo dục về đường truyền, hạ tầng, phần mềm dạy học trực tuyến,...
Học từ xa, học qua mạng góp phần xây dựng xã hội học tập |
Có trên 53.000 trường học tổ chức dạy - học trực tuyến, nâng tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến trung bình đạt 80%.
Đối với các trường đại học, với mức độ tự chủ cao, nhiều trường đã chủ động triển khai dạy-học trực tuyến từ rất sớm, có hiệu quả cao như Đại học Mở Hà Nội và Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến nay, trên 50 trường đại học có hệ thống quản lý học tập, nhiều trường triển khai thí điểm một số môn học kết hợp với trực tiếp.
Theo thống kê hiện có 240 cơ sở đào tạo đại học đã áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến theo các mức độ khác nhau, trong đó 79 cơ sở tổ chức quản lý và dạy học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến.
Hiện có trên 70% cơ sở giáo dục đại học đã triển khai hệ thống thư viện điện tử và triển khai hệ thống học tập e-Learning liên thông, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo đại học khác nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo trong giáo dục đại học.
Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp; ban hành Thông tư hướng dẫn đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
Trong 8 năm qua, công tác đào tạo từ xa đã góp phần tích cực trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của người học, người lao động góp phần vào nâng cao hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập.
Bên cạnh đó, còn góp phần tạo cơ hội tốt nhất cho người học cả về không gian và thời gian, mọi người học không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, đáp ứng đủ các yêu cầu về hồ sơ tuyển sinh đều được nhận vào học.
Hoàng Thanh