Học theo rác trên mạng, giới trẻ phải trả những cái giá đắng chát
Hệ lụy từ các nội dung thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, vô cảm, độc hại trên mạng không chỉ dừng lại ở những sự vụ mắt thấy, tai nghe đau lòng mà nguy hiểm hơn còn xâm nhập, tàn phá vào giá trị sống của giới trẻ.
Những cái giá đắng chát
Trẻ em, thanh thiếu niên là một thị phần béo bở mà mạng internet không thể bỏ qua. Vì vậy có thể dễ dàng thấy nhan nhản các clip dành cho giới trẻ với muôn hình vạn trạng. Thế nhưng, vì mục đích câu view để kiếm tiền nên nội dung nhảm nhí, bạo lực, giật gân, thiếu giáo dục, quái dị… như một thứ rác trên mạng được tận dụng tối đa. Đã có không ít vụ việc đau lòng xảy ra chỉ vì học theo những nội dung độc hại trên mạng.
Tháng 1/2020, bệnh nhân N.H.Đ.D (15 tuổi, ở Hải Dương) đã phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ làm pháo. Người nhà của bệnh nhân D cho hay em đã xem cách chế thuốc nổ trên YouTube sau đó lên mạng tìm mua thuốc nổ, lưu huỳnh về làm theo. Quá trình nghiền thuốc bị phát nổ bất ngờ, D bị chấn thương nghiêm trọng.
Còn vào tháng 10/2020 báo chí đã thông tin vụ việc một bé gái 9 tuổi (Cẩm Khê, Phú Thọ) phải nhập viện cấp cứu vì học theo clip trên Youtube và nuốt chiếc bấm móng tay dài 6cm, rộng 1,6cm vào bụng. Gia đình chỉ biết khi cháu đã bị đau bụng, ho nhiều mới hỏi và cháu kể lại rằng đã xem clip trên mạng có hình ảnh nuốt các vật thể khác nhau trên YouTube, cháu thấy hay nên làm theo.
Từ việc trẻ em học theo clip độc hại "thắt cổ mà không chết" trên mạng, Bệnh viện Nhi đồng 2 từng cho biết đã từng có 2 bệnh nhi học theo và được cứu sống. Nhưng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 hồi tháng 9/2020, một bé gái đã mất mạng khi học theo trò treo cổ trên mạng xã hội. Vì tò mò, bé gái đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà làm theo. Khi được người nhà phát hiện thì bé đã ở trong tình trạng mặt mũi tím tái, không còn hơi thở và không qua khỏi. Đây là một sự đau xót và là lời cảnh tỉnh đến các bậc phụ huynh khi "thả nổi" cho con em xem các clip độc hại trên mạng.
Còn vào tháng 3/2021 các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố TP.HCM cũng cho biết đã cấp cứu trường hợp em NTN (13 tuổi, sống ở Long An) uống thuốc trừ sâu tự tử. Cha em chia sẻ với bác sĩ nguyên nhân là em nghĩ quẩn uống thuốc tự tử do áp lực học đường. Cụ thể, em N. là lớp phó học tập, có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp nên dần dần bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội Facebook. Trường hợp khác cũng vì mạng xã hội mà một nữ sinh ở Nghệ An nhảy ao tự tử vào năm 2018 là vì một trang mạng đăng clip nữ sinh này cùng một nam sinh khác "hôn nhau" khiến dư luận bàng hoàng. Hình ảnh riêng tư này bị tung lên mạng và thu hút hàng nghìn lượt like, share, bình luận… Chỉ bằng một cú nhấp chuột trong tích tắc, nữ sinh bỗng trở thành tội đồ và không chịu nổi áp lực của dư luận đã hành động dại dột.
Đây chỉ là một số ví dụ trong vô vàn hậu quả nhãn tiền mà trẻ em làm theo những nội dung độc hại trên mạng hoặc bị tổn thương từ mạng xã hội để phải trả giá quá đắt - bằng chính tính mạng của mình. Đồng thời sự việc đau lòng cũng là hồi chuông báo động về thực trạng các trang mạng xã hội bị lợi dụng để phục vụ ý đồ cá nhân, câu view bất chấp hậu quả xảy ra.
Những giá trị sống liệu có bị khủng hoảng?
Hệ lụy từ các nội dung thiếu chuẩn mực, thiếu đạo đức, vô cảm, độc hại trên mạng không chỉ dừng lại ở những sự vụ mắt thấy, tai nghe mà nguy hiểm hơn còn xâm nhập, tàn phá vào giá trị sống của giới trẻ. Nó không nhằm cụ thể vào một cá nhân mà âm thầm tồn tại theo sự hưởng ứng mù quáng của đám đông. Thậm chí những giá trị sống còn bị khủng hoảng ngấm ngầm theo thời gian, chỉ chờ thời điểm là phát tác.
Có thể kể đến như việc sùng bái giang hồ mạng một cách lệch lạc của giới trẻ. Chào đón những kẻ ăn chơi sa đọa, ngông cuồng như thần tượng hay người hùng. Cả một đám đông hào hứng cổ vũ, hứng khởi khi xem những nội dung thô tục, chợ búa, thiếu văn hóa khiến lượng view tăng vọt. View cao, số người theo dõi nhiều không đồng nghĩa với nội dung hay và càng không thể coi họ như những người nổi tiếng. Ấy thế nhưng khi những kẻ cộm cán, giang hồ mạng xuất hiện ngoài đời giới trẻ chào đón chẳng khác gì thần tượng. Đấy là sự lệch lạc nhận thức nguy hại.
Không những thế, các câu nói, hành động thiếu chuẩn mực, ngông cuồng cũng được giới trẻ học tập và làm theo giang hồ mạng. Bỗng một ngày nào đó rộ lên clip học sinh đánh nhau kinh hoàng mà xuất phát chỉ vì lời khiêu khích hay một lý do nhỏ nhặt mà không ai can, các bạn xung quanh vô cảm quay clip liệu có phải vì những giang hồ mạng ngấm vào đầu lúc nào không hay? Hay những trào lưu khoe thân phản cảm để câu view rồi sau đó bị lừa tình, gạ tình, xâm hại…. có từ clip rẻ tiền trên mạng? Rồi lối sống thích hưởng thụ, lười biếng, phù phiếm, giả tạo, lừa gạt lẫn nhau…liệu có phải được hưởng ứng từ những choáng ngợp, khoe khoang của một bộ phận người nổi tiếng trên mạng không?
Trồng cây có thể vài tháng, vài năm hái quả. Quả chua hay ngọt, sâu hay lành chỉ cần nếm thử là biết ngay. Nhưng "phải trăm năm trồng người", phải là một quá trình dài lâu và gian nan mới có một thế hệ "quả ngọt".
Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, có những hậu quả nhãn tiền nhưng có hậu quả tiềm ẩn phía sau. Những gì độc hại, rác rưởi trên mạng nếu không được lên án, loại bỏ trong cuộc sống thì theo thời gian trong mắt một số người vô hình chung sẽ quen dần, mất khả năng phản kháng. Để bảo vệ những giá trị sống tốt đẹp và không phải trả cái giá đắng chát, chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cùng vào cuộc mạnh tay hơn nữa bằng chế tài để quyết liệt dọn sạch rác trên mạng xã hội.
Đề nghị "xóa sổ" 1 kênh Youtube độc hại ảnh hưởng tới trẻ em
Ngày 17/5, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) có công văn gửi Cục An toàn thông tin; Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về việc đề nghị bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo toquoc.vn