Học sinh đeo mặt nạ chống giọt bắn trong lớp học: “Sáng tạo” hay… “Tối tạo”?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng việc học sinh đeo mặt nạn chống giọt bắn là “sáng tạo của các địa phương”. Có thực đây là “sáng tạo” hay là sự “tối tạo” mà Bộ GD-ĐT cần gọi đúng tên và chấn chỉnh ngay?
“Sáng tạo của các địa phương”?
Nhiều bác sĩ chuyên khoa Mắt ở BV Mắt TƯ (Hà Nội), BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), phòng khám Mắt EyeZone (Hải Phòng) đã lên tiếng cảnh báo về việc học sinh mầm non, tiểu học phải đeo mặt nạ chống giọt bắn trong lớp học. Họ đều cho rằng việc phòng chống dịch Covid-19 cho trẻ em như vậy là không cần thiết và nguy hiểm cho mắt của trẻ.
Học sinh nhiều trường ở Đà Nẵng phải đeo mặt nạ chống giọt bắn trong lớp học. |
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5/5, vấn đề này cũng đã được phóng viên các cơ quan báo chí đặt ra và được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ trả lời: “Trên cơ sở khuyến cáo của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 15 tiêu chí đánh giá “nhà trường an toàn” với Covid-19, trong đó không có tiêu chí nào nói phải đeo mặt nạ chống giọt bắn. Bộ Y tế cũng không có hướng dẫn phải đeo mặt nạ chống giọt bắn. Đây là sự sáng tạo của các địa phương.
Chúng tôi cho rằng các địa phương nên làm theo hướng dẫn của Bộ Y tế là cơ quan chuyên môn bảo đảm sự an toàn cho nhân dân cả nước, trong đó có ngành giáo dục. Nếu Bộ Y tế khuyến cáo thì chúng ta nên làm, nếu không thì nên cân nhắc để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp” (theo tường thuật trên báo Tiền phong online lúc 19h59 tối 5/5).
Ngờ rằng, tường thuật của báo Tiền phong có điều gì đó thiếu sót chăng, chúng tôi đã tham khảo nhiều báo khác và đều thấy đưa tin Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ trả lời “học sinh đeo mặt nạ chống giọt bắn là sáng tạo của các địa phương”. Vì thế, chúng tôi đã phải tra cứu lại các tài liệu, xem định nghĩa thế nào là “sáng tạo”?
Từ điển Tiếng Việt (Nguyễn Văn Xô chủ biên, NXB Trẻ năm 2000) định nghĩa ngắn gọn: "Sáng tạo (động từ) là sáng chế ra, tạo ra". Nhiều tài liệu gần đây dẫn nghiên cứu của các nhà tâm lý học trong và ngoài nước đã đưa ra các định nghĩa mở rộng hơn về “sáng tạo”.
Trong đó, tác giả Phan Dũng (Công ty TNHH MTV Tư vấn đào tạo Trí Phúc – TP.HCM) trong “Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới” đã đưa ra định nghĩa có thể xem là khái quát và đầy đủ về sáng tạo: “Sáng tạo là hoạt động tạo ra bất cứ cái gì có đồng thời tính mới và tính ích lợi (trong phạm vi áp dụng cụ thể)”.
Biến lợi thành... hại!
Nếu xem việc học sinh phải đeo mặt nạ chống giọt bắn trong lớp học là một “sáng tạo của các địa phương” thì rõ ràng “sáng tạo” này đã đáp ứng tiêu chí “bất cứ cái gì” (theo định nghĩa của tác giả Phan Dũng là ở bất cứ lĩnh vực nào của thế giới vật chất và tinh thần), cũng như đã và đang được ngành giáo dục nhiều nơi trên cả nước áp dụng chứ không chỉ riêng một địa phương nào.
Tuy nhiên, “sáng tạo” này không có “tính mới” (theo tác giả Phan Dũng là sự khác biệt của đối tượng so với đối tượng cùng loại ra đời trước đó). Bởi mặt nạ chống giọt bắn đã có từ lâu, áp dụng nhiều trong ngành y tế, đến đại dịch Covid-19 thì lại càng được những người trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch sử dụng rộng rãi. Nên nếu có “tính mới” chăng thì đó là việc thiết bị này nay lại được áp dụng cho học sinh, kể cả trẻ mầm non, tiểu học khi đến lớp!
Tuy nhiên cái “tính mới” buộc học sinh phải đeo mặt nạ chống giọt bắn trong lớp học lại không đảm bảo “tính ích lợi” (theo tác giả Phan Dũng: Tính ích lợi như tăng năng suất, tăng hiệu quả, tiết kiệm, giảm giá thành, thuận tiện khi sử dụng, thân thiện với môi trường…, tính ích lợi có thể mang đến cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng, cho nhân loại).
Bởi như trên đã nói, nhiều bác sĩ chuyên khoa Mắt ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… đều cho rằng việc bắt học sinh đeo mặt nạ chống giọt bắn trong lớp học là không cần thiết và nguy hiểm cho mắt của trẻ. Bác sĩ Nguyễn Tiến Phúc (Phòng khám Mắt EyeZone, Hải Phòng) nói rõ, trẻ em đeo những thiết bị này đi học thì cực khổ cho các cháu vì rất khó thở. Bản thân các bác sĩ khi đeo kính chắn cũng chỉ mong sao được tháo ra khỏi mặt khi hết ca làm!
Do đó, cái sự “sáng tạo” bắt học sinh đeo mặt nạ chống giọt bắn khi đến lớp không đảm bảo "có đồng thời tính mới và tính lợi ích". Và nó cũng hoàn toàn không đúng “phạm vi áp dụng” (trong định nghĩa về “sáng tạo”, tác giả Phan Dũng nêu rõ “phạm vi áp dụng: chỉ đúng trong không gian, thời gian, hoàn cảnh , điều kiện… cụ thể, nếu vượt ra ngoài thì có thể biến lợi thành hại”).
Rõ ràng việc đem một thiết bị vốn chỉ chủ yếu sử dụng trong lĩnh vực y tế, cụ thể ở đây là dùng cho những người trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch để áp dụng cho học sinh khi đến lớp là đã vượt ra ngoài “phạm vi áp dụng cụ thể” nên có thể biến lợi thành hại như các bác sĩ chuyên khoa Mắt đã phân tích và cảnh báo.
Phải gọi đúng tên sự việc
Như thế, không thể xem việc bắt học sinh phải đeo mặt nạ chống giọt bắn khi đến lớp là một sự “sáng tạo của các địa phương" như nhận định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, vì nó không có tính mới, không có tính ích lợi, không phù hợp phạm vi áp dụng và có thể gây hại cho học sinh.
Chưa kể, đây còn là một sự tùy tiện, bởi như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong 15 tiêu chí “nhà trường an toàn” với Covid-19 do Bộ GD-ĐT ban hành không có tiêu chí nào yêu cầu học sinh phải đeo mặt nạ chống giọt bắn; Bộ Y tế cũng không có hướng dẫn phải đeo mặt nạ chống giọt bắn.
Với những phân tích nêu trên, theo chúng tôi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần gọi đúng tên tình trạng tùy tiện này. Trái ngược với "sáng tạo" có lẽ là "TỐI TẠO" chăng?
Và khi biện pháp phòng dịch không phù hợp đã và đang được ngành giáo dục nhiều địa phương áp dụng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần phải có ngay biện pháp chấn chỉnh, dẹp bỏ chứ không nên chỉ nói như Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: “Nếu Bộ Y tế khuyến cáo thì chúng ta nên làm, nếu không thì nên cân nhắc để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp!”.
HẢI CHÂU