Hoạt động phòng, chống rửa tiền "ngốn" hàng tỷ USD mỗi năm
Mỗi năm, thế giới mất 5,8 tỷ USD cho hoạt động phòng, chống rửa tiền. (Ảnh: Internet) |
Thế giới mất 5,8 tỷ USD mỗi năm cho phòng, chống rửa tiền
Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn giải pháp tài chính Celent (Mỹ), trung bình mỗi năm các quốc gia trên thế giới chi hết 5,8 tỷ USD cho việc phòng, chống rửa tiền, trong đó có 1,4 tỷ USD được dành cho việc đầu tư công nghệ.
Trong báo cáo về xu hướng phòng, chống rửa tiền của thế giới, Celent đã công bố kết quả cuộc khảo sát đối với trên 75 tổ chức tài chính toàn cầu. Kết quả cho thấy, xu hướng mới hiện nay là các tổ chức tài chính tập trung nhiều hơn vào công nghệ phòng, chống rửa tiền, bao gồm cả dự toán chi toàn cầu về công nghệ phòng, chống rửa tiền.
Báo cáo cũng xem xét các xu hướng nổi lên đối với việc tuân thủ của các tổ chức tài chính về việc tuân thủ các nguyên tắc trong hoạt động phòng, chống rửa tiền, cũng như hội nhập và chống gian lận.
Cụ thể, chi phí cho việc giám sát liên tục luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động phòng, chống rửa tiền là 41%, 28% chi phí được dành cho đầu tư công nghệ, 17% dành cho đào tạo, 15% dành cho việc giám sát tài khoản từ nước ngoài.
“Nhiều tổ chức có thể gặp khó khăn trong việc thiết lập một hệ thống phòng chống rửa tiền và gian lận tài chính. Tuy nhiên, nhờ phần mềm hiện đại, việc phân tích và lưu trữ dữ liệu đã cải tiến rõ rệt so với các phần mềm truyền thống.” ông Neil Katkov, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của Celent cho biết.
Công nghệ được phát triển để đáp ứng những thách thức phải đối mặt với các tổ chức trong hoạt động theo dõi. Các nhà cung cấp đã tăng cường các giải pháp của họ về khả năng mở rộng, quy định và phân tích, bao gồm cả tự học các thuật toán cảnh báo, điều tra, và tự động hóa nhằm đảm bảo các yếu tố như: Công nghệ tiên tiến, bề rộng của chức năng, cơ sở khách hàng, và chiều sâu của các dịch vụ khách hàng.
"Các hoạt động chúng tôi theo dõi tại các tổ chức tài chính đã trở nên ngày càng phức tạp. Bộ phận tuân thủ dường như liên tục đối mặt với quy định mới. Tất nhiên, các định chế tài chính họ tìm cách tối ưu hóa hiệu quả hoạt động danh sách theo dõi của họ." Ông Neil Katkov nói.
Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin chống rửa tiền
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), chỉ tính riêng trong năm 2013, Cục Phòng chống rửa tiền thuộc NHNN đã nhận được hơn 700 báo cáo giao dịch đáng ngờ và căn cứ vào kết quả xử lý thông tin, báo cáo đã chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền (NHNN), việc ứng dụng công nghệ thông tin chính là mấu chốt trong phòng, chống rửa tiền. Đây là một “cuộc chiến” về ứng dụng công nghệ thông tin giữa một bên là những đối tượng lợi dụng hệ thống ngân hàng để rửa tiền và bên kia là những người chống rửa tiền.
Hiện nay, các ngân hàng đã xây dựng, ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền theo quy định tại Nghị định 74/2005/NĐ-CP. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu mới trong công tác phòng, chống rửa tiền, các ngân hàng cần nghiên cứu quy định, chuẩn mực quốc tế về vấn đề này từ đó xây dựng quy định nội bộ phù hợp, đạt hiệu quả cao…
Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là nhân viên có giao dịch trực tiếp với khách hàng.
Các chuyên gia về tài chính – ngân hàng cho biết, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất của hoạt động phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực ngân đó là việc nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng. Bởi hằng ngày các ngân hàngphải thực hiện chuyển tiền điện tử quốc tế, do vậy phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp phục vụ cho việc báo cáo bằng tệp dữ liệu điện tử và phải có hệ thống phần mềm để lọc và phân tích các giao dịch, nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền và ngăn ngừa các rủi ro khác.