Hoảng loạn, sợ muốn chết khi người thân vừa đột quỵ vừa nhồi máu cơ tim
Bệnh nhân gặp 2 tình trạng nguy kịch đột quỵ nhồi máu não và nhồi máu cơ tim ập đến cùng lúc. Bác sĩ phải tiến hành ca can thiệp tim và não mới cứu sống người bệnh.
Bà N.T.L. (58 tuổi, ở Hậu Giang) đến tái khám tại BV Đa khoa Quốc tế Cần Thơ cho biết bà vừa thoát khỏi cửa tử sau 16 ngày đột quỵ và nhồi máu cơ tim kép.
Theo con gái của bà L. “Hôm đó mẹ tôi đang ngồi chơi thì kêu mệt, lấy gối ra cho bà nằm một lúc thì bà cứng đơ, trào bọt mép, hai hàm răng cứng ngắc. Cả nhà mới tá hỏa lấy xe đi cấp cứu thẳng vào bệnh viện luôn. Từ lúc phát bệnh tới nơi là 1 tiếng rưỡi. Vào đến phòng cấp cứu, mẹ tôi đã yếu, không biết gì…”
Nghe bác sĩ nói mẹ vừa nhồi máu tim, vừa nhồi máu não, bác sĩ can thiệp đánh giá rủi ro cao. Bản thân người nhà hoảng hốt vô cùng. Bình thường chỉ đột quỵ não đã nguy hiểm trường hợp người thân của họ còn thêm nhồi máu cơ tim, đều là “án tử”.
Cảm xúc của con gái bà L lúc đó: “Sợ muốn chết, ngồi khóc luôn. Xong xuôi tới chiều vô phòng hồi sức, thấy mẹ bình thường trở lại thì mừng rõ. Về nhà mấy đứa cũng khóc vì mừng!”.
Bà L. tới tái khám sau can thiệp mạch. |
BS Nguyễn Đào Nhật Huy – Đơn vị can thiệp DSA, BV Đa khoa Quốc tế Cần Thơ cho biết: khi vào cấp cứu, bệnh nhân có biểu hiện đột quỵ nên được chụp MRI phát hiện nhồi máu não, có chỉ định can thiệp cấp cứu. Sau đó bệnh nhân được đo điện tim, kết quả điện tâm đồ phát hiện nhồi máu cơ tim (ST chênh lên rất rõ), có thêm chỉ định tái thông mạch vành”.
2 ekip độc lập: can thiệp mạch não và can thiệp mạch vành cùng có mặt tại phòng DSA. Can thiệp mạch vành được ưu tiên thực hiện sớm để tránh rối loạn nhịp và suy tim cấp, diễn ra trong 15 phút. Sau đó là 45 phút can thiệp mạch não.
Cả 2 ekip can thiệp tim và não đều bắt đầu đường vào là một catheter đặt ở động mạch bẹn, đùi phải của bệnh nhân. Sau can thiệp, bệnh nhân chỉ chịu 1 vết thương 2mm.
Theo BS Nguyễn Đào Nhật Huy, khi bệnh nhân vừa có nhồi máu não và nhồi máu cơ tim cùng lúc thì nguy cơ tử vong tăng lên đáng kể, có thể lên tới 60-70% nếu không can thiệp, điều trị sớm.
Thêm một khó khăn là bệnh nhân có nhồi máu não cấp thì những tổn thương não rất nhạy cảm với các thuốc kháng đông làm loãng máu sử dụng trong can thiệp mạch vành, do đó 2 ekip liên tục trao đổi để tìm ra liều lượng thuốc an toàn nhất cho bệnh nhân.
BS Huy cho biết thêm: đây là trường hợp bệnh nhân thứ 3 phải can thiệp tim và não cùng lúc tại bệnh viện, sau can thiệp đều có kết quả tương đối tốt.
Về tình trạng của bà L. nửa tháng sau khi xuất viện, BS Huy thông tin: Chân phải của bà L. đã bị bại liệt từ nhỏ nhưng 2 tay và chân trái vận động bình thường, vẫn chống gậy đi lại được. Khi cơn đột quỵ xảy ra, bệnh nhân bị liệt nửa người bên phải, tri giác lơ mơ. Hiện nay, sức cơ tay bên phải đã hồi phục 70%, cần tiếp tục tập vật lý trị liệu để hồi phục tối đa.
“Khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, đồng thời có nhồi máu não nên các triệu chứng đau ngực, nặng ngực không rõ ràng, do lúc đó bệnh nhân bị rối loạn tri giác rồi. Tuy nhiên, tình trạng tim mạch hiện tại của bà L. qua chẩn đoán hình ảnh và lâm sàng cho thấy tổn thương cơ tim gần như không có hoặc có rất ít. Tiên lượng dự hậu về sau như suy tim, rối loạn nhịp sau nhồi máu cơ tim là rất thấp”.
BS Huy cũng dặn dò kỹ việc dùng thuốc tại nhà: “Stent ở não cần uống thuốc chống tạo huyết khối tối thiểu 6 tháng, nhưng với stent ở tim thì thuốc này phải uống tối thiểu 12 tháng. Do đó trong vòng 1 năm bệnh nhân phải uống liên tục mỗi ngày 1 viên, liên tục duy trì để tránh nguy cơ tắc stent do huyết khối”.
Hiện tại, bệnh nhân còn bị mất ngủ, ngủ hay giật mình. BS Huy cho biết: rối loạn giấc ngủ là những biến cố có thể xảy ra sau đột quỵ, sẽ được cải thiện từ từ, song song với việc dùng thuốc.
Còn vấn đề phát âm chưa rõ là có liên quan đến tình trạng yếu liệt cơ. Khi đột quỵ xảy ra, bệnh nhân bị tay chân yếu liệt, các cơ đầu mặt cổ cũng yếu liệt, dẫn đến nói khó, nuốt khó. Nếu bệnh nhân không bị nuốt sặc, chảy nước miếng thì thời gian hồi phục sẽ nhanh hơn. Có thể cần từ 3-6 tháng để thấy sự hồi phục, tiến triển.
K.Chi