Hoạ sĩ Thành Chương: 'Tôi tin Dạ Thảo Phương về những lời trình bày trong đơn tố cáo'
“Nếu một người phụ nữ mà bị như thế thì tôi luôn luôn ủng hộ Dạ Thảo Phương và phản đối hành vi đó của Lương Ngọc An”, hoạ sĩ Thành Chương cho hay.
Liên quan đến vụ việc nữ thi sĩ Dạ Thảo Phương tố cáo PTBT Lương Ngọc An cưỡng hiếp nhiều năm trước, sáng 8/4, hoạ sĩ Thành Chương đã có những trao đổi với phóng viên Infonet với tư cách người chứng kiến sự việc xảy ra tại báo Văn Nghệ ngày 14/4/2020.
Hoạ sĩ Thành Chương cho biết: “Bản tường trình do hoạ sĩ Lê Tâm viết, còn tôi là người ký tên với vai trò làm chứng”.
Trước khi kể lại sự việc, hoạ sĩ Thành Chương cho biết báo Văn nghệ ở 17 Trần Quốc Toản có 3 tầng. Tầng 1, phòng bên trong là phòng Hành chính- trị sự, phòng to bên ngoài là phòng tiếp khách, CTV. Trên tầng 2 có phòng họp chung của cơ quan, một phòng của TBT và một phòng của Ban Thư ký, đa số làm việc ở phòng này.
“Ban Văn nghệ trẻ ở tầng 3, đúng trên trần nơi phòng tôi làm việc" - họa sĩ Thành Chương kể lại.
Hoạ sĩ Thành Chương |
Họa sĩ Thành Chương nhớ lại: "Hôm đó, khoảng hơn 1h chiều ngày 14/4/2000 tôi và Bế Kiến Quốc đang làm việc ở phòng thư ký thì nghe tiếng động rất mạnh khác thường. Bế Kiến Quốc ngơ ngác tưởng động đất, rồi lại tưởng đổ vỡ ở trên nhưng lại nghĩ không phải đổ vì nếu đổ chỉ rầm một tiếng, còn ở đây tiếng động rất khác thường.
Khi chúng tôi còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì thấy tiếng kêu cứu. Tôi với Bế Kiến Quốc liền chạy ra gặp Lê Tâm rồi cùng nhau lên ngay Văn Nghệ trẻ (tầng 3) xem có chuyện gì”.
Hoạ sĩ kể tiếp rằng khi mở cửa vào đã thấy Lương Ngọc An đang đè lên người Dạ Thảo Phương, tay đang bóp cổ cô ấy.
“Cô ấy đang kêu cứu, giãy giụa rất ghê. Khi mọi người mở cửa vào thấy đúng cảnh như thế thì Lương Ngọc An bỏ tay ra khỏi cổ Dạ Thảo Phương. Sau đó, tôi, Quốc và một CTV nữa đưa Lương Ngọc An ra ngoài. Lê Tâm và một hai người nữa ở lại với Dạ Thảo Phương.
Cuộc chứng kiến đó được Lê Tâm viết bản tường trình. Bản tường trình đó hoàn toàn chính xác không sai một chi tiết nào cả- có cảnh Lương Ngọc An chồm đè lên người Dạ Thảo Phương, tay bóp cổ và hai người đang mặc quần áo”, hoạ sĩ Thành Chương khẳng định.
Về hướng xử lý thời điểm đó, hoạ sĩ Thành Chương cho rằng: “Báo Văn nghệ xử lý việc đấy theo tôi là hợp lý vì bằng hiện tượng đó chưa thể khẳng định vụ hiếp dâm. Hai người vẫn đang mặc quần áo bình thường, vẫn đang vật lộn, bóp cổ nhau.
Dạ Thảo Phương nói vụ cưỡng hiếp còn Lương Ngọc An nói do mâu thuẫn cá nhân xảy ra cãi cọ, đánh nhau. Việc xảy ra ở báo nên báo chỉ có thể xử lý ở việc gây lộn xộn ở cơ quan như thế là không tốt và có cảnh cáo với Lương Ngọc An.
Có người hiểu đó là vụ hiếp dâm không thành, có người nghĩ đấy là cuộc xô xát…nhưng dù gì thì gì lỗi đấy vẫn thuộc về Lương Ngọc An. Cho nên, báo Văn nghệ hồi đó ngoài cảnh cáo, phê bình thì cũng cho Lương Ngọc An đi học mấy tháng”.
Vị họa sĩ cho biết bản thân sau này khi đọc kỹ lại bản tố cáo của Dạ Thảo Phương mới biết quan hệ của hai người đã xảy ra từ năm 1999 chứ không phải năm 2000.
'Theo như tố cáo thì có cưỡng hiếp, có nô lệ tình dục, bỏ con... là xảy ra trước khi có vụ việc ở báo Văn Nghệ.
Hiểu biết của tôi về vụ này rất ít, chỉ chứng kiến vụ việc cụ thể là vụ mà hoạ sĩ Lê Tâm đã làm bản tường trình, còn tất cả quan hệ của hai người này có yêu nhau hay không, có bị cưỡng hiếp, bị lạm dụng tình dục, bị bắt làm nô lệ tình dục hay không…thực sự tôi không biết tí gì', hoạ sĩ Thành Chương cho hay.
Tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng 'bằng nhiều chứng cứ, bằng nhiều thứ khác, tôi tin Dạ Thảo Phương về những lời trình bày trong thư ngỏ tố cáo đó'.
'Nếu một người phụ nữ mà bị như thế thì tôi luôn luôn ủng hộ Dạ Thảo Phương và phản đối hành vi đó của Lương Ngọc An', hoạ sĩ Thành Chương cho hay.
Hoạ sĩ cũng cho rằng vụ việc cần tiếng nói của các tổ chức có trách nhiệm ví dụ như hội nhà văn, hội phụ nữ và các cơ quan chức năng khác.
Như Infonet đã đưa tin trước đó, vào tối 6/4, tài khoản mạng xã hội Dạ Thảo Phương đã đăng tải nội dung thư tố cáo PTBT Báo Văn nghệ Lương Ngọc An cưỡng dâm và vu khống chị nhiều năm trước.
Trong đơn, chị Dạ Thảo Phương cũng cho biết, lý do đến tận bây giờ mình mới lên tiếng vì: “Tôi cần phải lên tiếng. Đó là một đòi hỏi bức thiết của cá nhân tôi, với tư cách là một nạn nhân khổ đau oan ức, cũng là một đòi hỏi của thực tế xã hội đối với trách nhiệm của một công dân, đòi hỏi của lương tri đối với một người cầm bút”.
Cũng liên quan đến vụ việc, trả lời phóng viên, PTBT Lương Ngọc An cho biết “tôi không có ý kiến gì vì cũng chưa biết việc này sẽ đi đến đâu và làm như thế nào”.
“Do đó cho nên tôi không có ý kiến gì cả”, ông Lương Ngọc An nói nhưng cũng cho biết “theo quan điểm cá nhân thì những lời viết này không phải đúng hoàn toàn đâu”, “như thế nào thì chưa nói vội”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Hội sẽ sớm có ý kiến".
Nhân chứng viết tường trình vụ Phó tổng báo Văn nghệ bị tố cưỡng hiếp: 'Dù trăm năm thì vẫn cần xem xét lại'
"Mấy hôm nay, dư luận đặt ra vấn đề thời gian Dạ Thảo Phương tố bị cưỡng hiếp…nhưng thực ra hai mấy năm hay mấy trăm năm thì vẫn cần được xem xét lại", hoạ sĩ Lê Tâm người chứng kiến sự việc nói.
Vụ Phó tổng báo Văn nghệ bị tố cưỡng hiếp: Gia đình lên tiếng, người tố cáo từng phải đi rửa ruột nhiều lần!
Sau hơn 20 năm, hoạ sĩ Lê Tâm vẫn khẳng định sự việc đúng như anh đã ghi trong bản tường trình. Chị gái của chị Dạ Thảo Phương cũng thông tin nhiều lần đưa em vào BV Xanh Pôn rửa ruột.
N. Huyền