Vụ Phó tổng biên tập bị tố cưỡng hiếp: Hết thời hiệu truy cứu hình sự, xử lý thế nào?
Vụ việc trôi qua hơn 20 năm là đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tuy nhiên nhiên vẫn cần làm rõ. Việc lên tiếng để kẻ xấu chẳng thể “hả hê” vì việc xấu không bị phát hiện, để “tòa án lương tâm” sống dậy
Đêm 6/4, mạng xã hội nóng ran lan truyền bức thư ngỏ từ trang Facebook Dạ Thảo Phương tố cáo một Phó tổng biên tập đã cưỡng dâm và vu khống chị 22 năm trước.
Ảnh minh họa. |
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc, luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm: “Vụ việc đã qua hơn 20 năm là đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một lần nữa, vụ việc được đưa ra, dù không thể vãn hồi những tổn thương cho người bị hại, không thể chính thức buộc kẻ thực hiện hành vi xâm hại phải nhận hình phạt thích đáng, nhưng hành động này của chị Thanh Thúy đáng được đồng tình và ủng hộ.
Chúng ta không thể cảm nhận được nỗi day dứt, tủi hổ, đơn độc, cảm xúc tiêu cực mà người bị hại từng trải qua, nhưng chúng ta có thể san sẻ nó bằng cách lên tiếng, thể hiện quan điểm về vụ việc.
Lên tiếng để kẻ xấu chẳng thể “hả hê” vì việc xấu không bị phát hiện, lên tiếng để “tòa án lương tâm” sống dậy trong hắn.
Bất cứ ai cũng cần phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình. Từ góc độ lan tỏa nhận thức và cảnh tỉnh xã hội, việc làm này thúc đẩy các vụ việc quấy rối tình dục, xâm hại tình dục phải được đưa ra ánh sáng, trao cho những nạn nhân một phần niềm tin từ xã hội, từ sự nghiêm minh của pháp luật; hơn hết là thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy tiến bộ toàn xã hội".
Ngoài ra, từ góc độ báo chí, luật sư cho rằng, một người ở cương vị lãnh đạo đơn vị phản biện xã hội nhưng lại bị xã hội lên án về đạo đức là điều hoàn toàn mâu thuẫn và cần xem xét, xử lý thích hợp.
Hành vi quấy rối tình dục, xâm hại tình dục (nếu có) dù đã hết thời hiệu xử lý hình sự, tuy nhiên vẫn cần làm rõ.
Cũng theo luật sư Hoàng Tùng, Hội Nhà Văn - cơ quan chủ quản tờ báo cần có những động thái thiết thực làm rõ trách nhiệm của người bị tố cáo, đồng thời thanh lọc, làm thanh sạch bộ máy đơn vị này.
Trước đó, vào sáng 7/4, trả lời phóng viên Infonet qua điện thoại về thông tin nóng ran lan truyền trên mạng xã hội, ông A, người bị tố cáo cho biết ông đã biết việc có thư ngỏ tố cáo mình.
Trả lời câu hỏi 'trước những cáo buộc này, ông có phản hồi gì không', ông A nói “tôi không có ý kiến gì, vì cũng chưa biết việc này sẽ đi đến đâu và làm như thế nào, cho nên tôi không có ý kiến gì cả”.
“Theo quan điểm cá nhân thì những lời viết này không phải đúng hoàn toàn đâu”, ông A nói thêm, nhưng “như thế nào thì chưa nói vội”.
Ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định "Hội sẽ sớm có ý kiến" về vụ việc.
Nói về vấn đề quấy rối, xâm hại tình dục, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VPLS Trung Hòa, Hà Nội) chia sẻ: "Quấy rối tình dục, xâm hại tình dục là vấn đề không mới, nhưng đến thời điểm này chúng ta mới sẵn sàng đối diện. Bởi lẽ, đây là thời điểm mà bình đẳng giới tại Việt Nam đã có vị trí nhất định, giới trẻ không ngần ngại lên tiếng, đầy nhiệt huyết và quyết liệt cho tiến bộ xã hội.
Đáng quan ngại hơn là tội phạm xâm hại tình dục gần đây phần lớn mang nhân thân tốt, có học thức, có địa vị xã hội nhất định.
Họ có khả năng nhận thức được hành vi, nhưng vẫn cố tình thực hiện và dùng nhiều phương thức nhằm thao túng nạn nhân để thỏa mãn thú tính, khiến nạn nhân quỵ lụy phụ thuộc”.
Vụ Phó tổng báo Văn nghệ bị tố cưỡng hiếp đồng nghiệp: Những câu hỏi gây tổn thương ghê gớm với nạn nhân!
“Tôi biết có rất nhiều gã khốn đã nhởn nhơ đi hết cuộc đời với sự đắc ý vì áp bức tình dục đồng nghiệp của mình mà không bị trả giá”, nhà báo Phạm Trung Tuyến viết.
Sông Yên