Hoa Lư sẽ là huyện nông thôn mới đầu tiên của Ninh Bình
Là huyện có diện tích tự nhiên nhỏ và số đơn vị hành chính không nhiều, nhưng Hoa Lư đã hội tụ được nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, nhất là về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và du lịch, dịch vụ. Trên địa bàn huyện có 2.439 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, có các cơ sở sản xuất lớn như: Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình, nhà máy xi măng Duyên Hà, nhà máy xi măng Hệ Dưỡng và 2 làng nghề truyền thống: Đá mỹ nghệ Ninh Vân và thêu Ninh Hải.
Bên cạnh đó, huyện còn có 3 khu du lịch lớn là Tràng An, Cố đô Hoa Lư và Tam Cốc - Bích Động nên hoạt động du lịch - dịch vụ của huyện phát triển mạnh mẽ với khoảng 2.700 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ; 400 nhà hàng, khách sạn đang hoạt động có hiệu quả, thu hút được đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, du lịch.
Xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới còn thấp: Năm 2011 trên địa bàn huyện có một xã đạt 9 tiêu chí (Ninh Hải); 3 xã đạt 8 tiêu chí (Ninh Vân, Ninh Giang, Trường Yên); 3 xã đạt 7 tiêu chí (Ninh Mỹ, Ninh Hòa, Ninh Thắng) và 3 xã đạt 6 tiêu chí (Ninh An, Ninh Khang, Ninh Xuân); bình quân chỉ đạt 7,2 tiêu chí/xã thấp hơn 11,8 tiêu chí so với yêu cầu.
Tuy nhiên, nhờ phát huy những tiềm lực vốn có, cùng với sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của các cấp, các ngành, đến nay Hoa Lư đã có 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới: Ninh Giang, Ninh Vân, Ninh An, Trường Yên và Ninh Thắng. Các xã còn lại đạt trung bình trên 15 tiêu chí.
Đồng chí Bùi Duy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: Trong 5 năm qua, toàn huyện đã huy động và thực hiện các nội dung xây dựng NTM với tổng kinh phí trên 1.897 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 683 tỷ đồng. Cùng với số tiền đóng góp, nhân dân trong huyện còn hăng hái góp 37.668 công lao động, hiến gần 49 nghìn m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, dồn điền đổi thửa.
Bên cạnh những đóng góp kể trên, các xã đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch với sự đồng thuận, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã và cộng đồng dân cư. Nhất là đẩy mạnh thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng để phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, tổ chức lại sản xuất sau dồn điền, đổi thửa theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh, nổi bật là phong trào làm đường giao thông thôn – xóm và hệ thống giao thông gắn với kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, xóm và kiên cố hóa trường, lớp học... Cùng với đó, hệ thống chính trị được củng cố và kiện toàn. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được khôi phục và phát triển. Quy chế dân chủ ở cơ sở được tăng cường và phát huy tác dụng.
Với những kết quả đã đạt được, Hoa Lư đang trở thành “ứng cử viên” sáng giá nhất, có thể trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đặt ra phương hướng: Năm 2016 ít nhất hoàn thành thêm từ 1-2 xã và năm 2017, huyện Hoa Lư đạt chuẩn NTM. Cùng với việc triển khai thực hiện các tiêu chí chưa đạt là tập trung chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt ở các xã, kể cả ở xã đã được công nhận đạt chuẩn.