Hỗ trợ sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Triển lãm các gian hàng khởi nghiệp tại Ngày hội Khởi nghiệp 2016 do Bộ KH&CN tổ chức. Ảnh: Nguyễn Tuân. |
Cần thay đổi tư duy
Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - cho biết trên cơ sở Đề án 844 đã tạo ra được 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tất cả đều dựa trên lợi thế về công nghệ thông tin gắn liền với thương mại điện tử.
“Doanh nghiệp muốn khởi nghiệp thành công, yếu tố hạ tầng cần phải đi trước để tạo nền tảng, chúng ta có một số lợi thế nhất định khi tỷ lệ người dân sử dụng internet chiếm 52%, đứng thứ hai trong ASEAN sau Singapore, đây là hạ tầng quan trọng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực internet”, ông Phạm Đức Nghiệm cho biết.
Là địa phương có số lượng doanh nghiệp đăng ký và hoạt động lớn thứ hai của cả nước, đến nay, thành phố Hà Nội có khoảng 200.000 doanh nghiệp thuộc các loại hình đăng ký hoạt động. Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, những khó khăn, hạn chế cho doanh nghiệp khởi nghiệp là: Thiếu các nguồn lực để thực hiện các ý tưởng kinh doanh, start-up rất dễ khởi tạo nhưng cũng rất dễ gặp rủi ro trong kinh doanh. Chi phí đầu vào tại Hà Nội luôn cao hơn các địa phương khác như chi phí thuê đất, chi phí nhân công, mặt bằng sản xuất, nguyên vật liệu…
Để gỡ khó cho các start-up, ông Lê Ngọc Anh, PGĐ Sở KH&CN thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đã thực hiện một số giải pháp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh. Thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp đã được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc kể từ 01/01/2015, thực hiện trước 6 tháng so với quy định của Luật Doanh nghiệp. Hà Nội đã khuyến khích tạo điều kiện để các doanh nghiệp đăng ký qua mạng, các doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký qua mạng đã rút ngắn từ 3 ngày xuống còn 2 ngày làm việc, đến nay đã đạt được 50% tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Hà Nội cũng đang hình thành một số vườn ươm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo…
“Thời gian tới Hà Nội cũng sẽ quan tâm đẩy mạnh phong trào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đến năm 2020 có thêm 200.000 doanh nghiệp được thành lập mới trên địa bàn, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chiếm 20%,” ông Lê Ngọc Anh nói.
Theo ông Huỳnh Văn Ngộ, PGĐ Sở KH&CN Đà Nẵng, để đạt mục tiêu 30.000 doanh nghiệp đến năm 2020, yêu cầu cấp bách của Đà Nẵng là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tháng 10/2015, Đà Nẵng thành lập Hội đồng điều phối về khởi nghiệp, tháng 1/2016, vườn ươm doanh nghiệp của Đà Nẵng ra đời, ngoài ra có các vườn ươm khác tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, ông Ngộ cho rằng để thực sự thay tư duy, mỗi cá nhân cần phải bỏ ngay tư tưởng “làm thuê” cho dù làm ở đâu.
“Mỗi khi gặp các cháu học sinh, sinh viên mới ra trường, chúng ta thường hỏi họ: “Đã xin được việc làm ở đâu chưa?” chứ không ai hỏi “Có khởi nghiệp hay không?”. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có suy nghĩ, tư duy chúng ta chưa thay đổi, kể cả thay đổi trong công tác tuyên truyền,” ông Huỳnh Văn Ngộ nói.
Ông Huỳnh Văn Ngộ, PGĐ Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Tuân, |
Phải đặt mình vào vị trí doanh nghiệp
Các chính sách về hỗ trợ cho doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, bởi khởi nghiệp rồi các start-up có “sống” được hay không mới là quan trọng. Theo ông Huỳnh Kim Tước - GĐ Saigon Innovation Hub kiêm GĐ Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh - giúp đỡ các doanh nghiệp là phải mở rộng thị trường cho họ, trong đó có việc để cho doanh nghiệp tư nhân được cung cấp dịch vụ công. Ông Tước cho rằng một hệ sinh thái khởi nghiệp mà không nhắc đến vai trò của các trường đại học sẽ không thể thành công, mục tiêu của TP Hồ Chí Minh là tạo ra 30 Trung tâm sáng tạo để phục vụ khởi nghiệp sáng tạo tại các trường Đại học, đưa các nhà khoa học xuống doanh nghiệp.
“Chúng ta đã quá chú trọng vào việc xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp trong khi đó chỉ là công cụ chứ không phải là mục tiêu. Chúng ta phải đặt mục tiêu là tạo ra thị trường và có sản phẩm, hệ sinh thái khởi nghiệp là công cụ để giúp chúng ta tạo ra sản phẩm để đưa ra thị trường,” ông Huỳnh Kim Tước nói.
Cách tiếp cận của TP Hồ Chí Minh là tiếp cận thị trường, thành phố đưa ra nguyên tắc làm việc là: Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, không trực tiếp triển khai; thành phố phân phối nguồn lực cho cộng đồng làm, cái gì thị trường làm thì nhà nước không làm, nhà nước vẽ ra khung tổng thể, sau đó giao cho doanh nghiệp làm; Chỉ làm những gì thị trường cần, ví dụ thành phố Hồ Chí Minh sẽ không đầu tư vườn ươm, bởi vì nếu nhu cầu xã hội cần phải có vườn ươm thì để cộng đồng làm theo phương thức đầu tư PPP; Nếu các công ty tư nhân đầu tư, thành phố sẽ tính toán mức hỗ trợ, nếu chỉ tập trung khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhà nước sẽ làm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Việc Nhà nước chia sẻ nguồn lực của cộng đồng, khác với việc giao cho các đơn vị trực thuộc làm, nếu giao cho các đơn vị trực thuộc làm sẽ không tận dụng được nguồn lực của cộng đồng, lại chưa chắc đã mang lại hiệu quả cao và cũng không quản trị được cộng đồng doanh nghiệp. Nếu Nhà nước làm sẽ chỉ loay hoay với những gì đang làm mà không thấy không gian cộng đồng doanh nghiệp bên ngoài vô cùng rộng lớn.
“Nếu như cả Chương trình 844 đặt ra kỳ vọng sau 5 năm có 2.000 dự án thì trong vòng 3 tháng chúng tôi đã có 300 dự án, lý do đơn giản là chúng tôi để cộng đồng làm. Cộng đồng doanh nghiệp làm với chi phí rất thấp, thấp hơn nhiều so với nhà nước tự làm,” ông Huỳnh Kim Tước nói.
Trong xu thế hiện nay, mỗi cán bộ nhà nước cần phải thay đổi tư duy bằng cách đặt mình vào vị trí của “Trung tâm xúc tiến đầu tư”. Đây là tư duy chuẩn bị cho nền kinh tế mới, chuẩn bị cho thị trường mới. Theo ông Tước, 30 năm trước, chúng ta dành 1 ha đất cho một doanh nghiệp Đài Loan đến mở 1 nhà máy, tư duy bây giờ là làm sao dành 10m2 cho 1 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư với số vốn 1 triệu USD. Nếu chúng ta không chuẩn bị hạ tầng và không xác định vai trò của mình thì 5 năm tới chúng ta cũng vẫn chỉ loay hoay với bài toán khởi nghiệp.