Hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở Sơn La được quan tâm hỗ trợ về mọi mặt
Hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở Sơn La được quan tâm hỗ trợ về mọi mặt. Ảnh: Cổng TTĐT Sơn La |
Theo UBND tỉnh Sơn La, các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả và đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, mức sống và thu nhập của các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư đồng bộ, tiến bộ khoa học từng bước được áp dụng, chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng cho chất lượng tốt, sản lượng cao. Chất lượng giáo dục đào tạo dần được nâng cao, công tác dạy nghề và tạo việc làm đã đạt kết quả khả quan, trình độ dân trí có bước chuyển biến rõ rệt.
Kết quả nổi bật tỉnh Sơn La đã được đó là năm 2018, hai huyện nghèo là Phù Yên và Quỳnh Nhai thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2018/NQ-CP.
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 31,91% năm 2016 xuống còn 29,22% năm 2017, ước thực hiện năm 2018 giảm còn 25,44%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện 30a giảm từ 35,44% năm 2016 xuống còn 31,7% vào năm 2017 , ước thực hiện năm 2018 giảm còn 27,7%....
Kết quả thực hiện chương trình 30a đã đạt được nhiều kết quả về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo cũng như hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo.
Về hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, công tác tuyên truyền và tư vấn về xuất khẩu lao động được cấp, các ngành quan tâm tổ chức xuống tận các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, số lượng người tham gia xuất khẩu lao động còn quá thấp so với mục tiêu của nghị quyết 30a đề ra (trung bình 10 lao động/xã), chất lượng lao động chưa cao mà chủ yếu là lao động phổ thông.
Nguyên nhân do người dân còn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn xa gia đình, chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc tham gia xuất khẩu lao động. Trong năm 2016 – 2018, đã có 61 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản, Quatar, Đài Loan, Ả rập Xê út).
Kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, đã có trên 2,2 triệu lượt người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Qua đó, giúp các đối tượng được cấp thẻ BHYT tiếp cận cơ bản các dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 966.000 lượt học sinh, sinh viên được miễn giảm học phí và chi phí học tập với kinh phí hơn 1.403.510 triệu đồng.
Chính sách miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên đã có tác động trực tiếp và tích cực đến các đối tượng được thụ hưởng, góp phần giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thực hiện chính sách về cán bộ, trong 3 năm qua toàn tỉnh đã thu hút 626 tri thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia Tổ công tác tại các xã thuộc 5 huyện nghèo; thu hút 33 cán bộ tri thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn; đào tạo và bố trí công việc cho 118 cán bộ người đồng bào dân tộc Mông và dân tộc thiểu số ít người theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Dự án thí điểm tuyển chọn 600 tri thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc các huyện nghèo theo quyết định số 170 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 49 tri thức trẻ được tăng cường làm Phó Chủ tịch UBND xã….