HN: Gia Lâm dồn lực cán đích huyện NTM mới trong năm 2018
Huyện Gia Lâm có các vùng sản xuất rau an toàn |
Năm 2018, sau khi tập trung lãnh đạo 20/20 xã đạt chuẩn NTM, huyện Gia Lâm tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xã NTM và hoàn thành 9 tiêu chí huyện NTM và hoàn thành 9 tiêu chí huyện NTM để trình TP xét công nhận trong năm 2018.
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Gia Lâm đã tập trung huy động hơn 1.176 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều nhóm tiêu chí NTM đạt kết quả cao như: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, dải nhựa; có 58/75 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 77,3%; có 153/171 thôn, làng có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định, đạt tỷ lệ 89,5%; 100% trạm y tế các xã đạt chuẩn theo quy định; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,0%, tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 80%; thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng/người/năm.
Đến nay, 100% các tiêu chí xã NTM đều đạt và cơ bản đạt; 20/20 xã đạt chuẩn NTM; 08/09 tiêu chí Huyện NTM đạt và còn 1/9 tiêu chí (Môi trường ) cơ bản đạt theo bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM.
Cụ thể, tiêu chí về quy hoạch đã tương đối hoàn thiện. Về giao thông, toàn huyện có 50,21km đường bộ do huyện quản lý, trong đó, 100% các tuyến đường đều đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa và kết nối với trung tâm hành chính các xã. Hệ thống cầu cống trên các tuyến đường được xây dựng kiên cố phù hợp với cấp đường quy hoạch, 100% các tuyến đường do huyện quản lý được bảo trì hàng năm.
Trên toàn huyện có khoảng 1.580 tuyến kênh mương với chiều dài trên 700km, gồm 984 kênh tưới, 246 kênh tiêu, 350 kênh tưới tiêu kết hợp phục vụ cấp nước cho 20 xã, thị trấn. Tổng số kênh mương cấp III được huyện đầu tư cải tạo, nâng cấp trong giai đoạn 2012-2017 là 09 tuyến với chiều dài 29.695m, tổng mức đầu tư 77,792 tỷ đồng. Các tuyến kênh tiêu chính của huyện hàng năm đều được tu sửa, nạo vét, đảm bảo thông thoáng phục vụ tiêu thoát nước trong mùa mưa bão.
Đối với tiêu chí điện nông thôn, hệ thống lưới điện hạ áp huyện 1.790km, trong đó, đường cáp ngầm là 125km, chiếm tỷ lệ 7%; đường dây nổi là 1.666km, chiếm tỷ lệ 93%; có 631 trạm biến áp đảm bảo thông số kỹ thuật, an toàn. 100% người dân trên địa bàn được đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất. Năm 2017, huyện đã đầu tư 100% hệ thống chiếu sáng đường làng, ngõ xóm với tổng kinh phí 79,966 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tiêu chí về sản xuất được huyện triển khai thực hiện với nhiều kết quả nổi bật. Năm 2017, huyện đã phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 tại 20 xã, thị trấn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, có vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng chuyên canh lúa 1.360,95ha; vùng rau: 378,23ha; vùng cây màu 230,79ha; vùng cây ăn quả: 2.073,24ha; vùng hoa cây cảnh 86,95ha; vùng nuôi trồng thủy sản 79,97ha; các mô hình chuyển đổi cây trồng: VAC, VA, VC, cây giống CQA, chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 1.560,91ha, vùng chăn nuôi bò sữa 2.600-2.700 con, vùng chăn nuôi lợn nạc 27.000-28.000 con, vùng chăn nuôi bò thịt tập trung 3.600-3.700 con.
Về trồng trọt, huyện có các vùng sản xuất rau an toàn, diện tích gieo trồng 2.189,5ha, trong đó, diện tích sản xuất RAT duy trì 407,46ha tập trung tại xã Văn Đức, Đặng Xá, Yên Thường, Yên Viên và Lệ Chi. Diện tích cây ăn quả tăng, đạt 1.312,63ha, hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, chất lượng, giá trị sản xuất đạt 115,7 tỷ đồng; giá trị thu nhập trung bình tại các vùng quả đạt 200-300 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình cho thu nhập 400-500 triệu đồng/ha, cá biệt có những mô hình cho thu nhập 700 triệu-1 tỷ đồng/ha, tại Kiêu Kỵ, Lệ Chi.
Vùng trồng hoa cây cảnh có diện tích 46,44ha, trong đó, đã phát triển các khu vực sản xuất hoa, cây cảnh tập trung tại các xã: Phù Đổng, Trung Mầu; hình thành các điểm, mô hình sản xuất hoa chậu, hoa treo có giá trị kinh tế cao tại các xã: Đa Tốn, Đông Dư.
Về chăn nuôi, có 123 trang trại, gia trại quy mô vừa và lớn, trong đó, có 22 trang trại chăn nuôi bò với 12 trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô ngoài khu dân cư và 10 trang trại, gia trại chăn nuôi bò thịt. Chăn nuôi lợn có 83 trang trại, gia trại nuôi lợn nạc ngoài khu dân cư với quy mô từ 20 nái và 100 lợn thịt trở lên. Chăn nuôi gia cầm có 18 trang trại, gia trại quy mô trên 2.000 con.
Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã hình thành 17 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trong đó, có 8 mô hình trồng trọt như: rau thủy canh xã Đa Tốn, các mô hình cây cam, chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, xã Kiêu Kỵ và Kim Sơn, mô hình hoa lan giá trị cao; có 9 mô hình chăn nuôi như: nuôi trùn quế xử lý ô nhiễm môi trường, chăn nuôi bò sữa, lợn thịt…Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với lợi thế của huyện.
Đến nay, huyện đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các vùng rau an toàn xã Văn Đức, Đặng Xá; ổi Đông Dư, chuối Cổ Bi. Năm 2017, huyện đã được Trung tâm chứng nhận nông nghiệp Thành phố cấp chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho 27,1ha diện tích vùng quả sản xuất tập trung tại xã Kiêu Kỵ và Kim Sơn; 15ha vùng rau tại xã Văn Đức…
Để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, huyện đã hình thành 18 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thực hiện tiêu thụ hơn 20% sản lượng đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện theo quy hoạch: rau an toàn Đặng Xá, Văn Đức, cây ăn quả xã Kiêu Kỵ, Đa Tốn, Kim Sơn; sữa bò tươi Phù Đổng với các đơn vị doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP.
Thực hiện tiêu chí môi trường, huyện đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường; xây dựng các điểm tập kết rác thải, chất thải rắn trên địa bàn huyện và bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện đảm bảo thu gom, vận chuyển đạt trên 95% khối lượng rác thải, đất thải, phế thải xây dựng phát sinh trong ngày.
Để phấn đấu đạt huyện NTM trong năm 2018, huyện Gia Lâm sẽ tập trung rà soát tiêu chí xã NTM và hoàn thành kế hoạch duy trì và nâng cao tiêu chí xã NTM tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020. Đồng thời, tập trung chỉ đạo và thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM của các xã, xử lý ô nhiễm sông Cầu Bây; xử lý 100% bao bì thuốc bảo vệ thực vật để đạt chuẩn về tiêu chí Môi trường.