Hình ảnh thần tiên được yêu thích trên màn ảnh Hoa ngữ
Tây Vương Mẫu
Tây Vương Mẫu hay còn gọi là Vương Mẫu nương nương, Diêu Trì Kim Mẫu là vị nữ thần trong truyền thuyết Trung Hoa, vợ Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Trên màn ảnh nhỏ, đã có rất nhiều nữ nghệ sĩ thể hiện nhân vật này, không chỉ hiền lành mà còn xinh đẹp qua diễn xuất của Lưu Hiểu Khánh trong Bảo Liên đăng (2005), Phan Hồng trong Hoan hỉ thiên địa thất nàng tiên (2005), Vạn Phức Hương trong Tây du ký (1986), Tống Giai trong Ngưu Lang Chức Nữ (2009) và gần đây nhất là Quyên Tử trong Mẫu tổ.
Ngọc Hoàng Thượng Đế
Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Ngọc Đế là vị vua tối cao của bầu trời, cai quản toàn bộ lục giới : Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên. Trong rất nhiều bộ phim thần thoại, nhân vật này xuất hiện rất uy nghi, có quyền lực tối cao.
Hàm râu dài chính là điểm nhấn của Ngọc Hoàng Thượng Đế nên tất cả các diễn viên hóa thân vào vai diễn này đều phải gắn râu giả. Tuy không phải nhân vật chính, song hình ảnh Ngọc Hoàng Thượng Đế đã gắn liền thành công của không ít nam nghệ sĩ như Chương Ngọc Hỉ trong Tây du ký (1986), Trương Quốc Lập trong Tân thiên tiên phối (1998), Khấu Chấn Hải trong Phúc Lộc Thọ tam tinh báo hỉ (2004), Tần Hán trong Ngưu Lang Chức Nữ (2009)…
Nữ Oa
Nữ Oa là một nữ thần trong truyền thuyết Trung Hoa, một trong Tam Hoàng Ngũ Đế, có hình dáng đầu người thân rắn, nổi tiếng với tích Nữ Oa vá trời.
So với những thần tiên khác, Nữ Oa có rất nhiều giai thoại nên luôn được các nhà làm phim khai thác, là nhân vật trung tâm trong khá nhiều tác phẩm như Phục Hy Nữ Oa (2000) với Vinh Dung vai Nữ Oa; Thiện địa truyền kỳ (2005) với Hà Lâm vai Nữ Oa; Nhân đế Phục Hy (2009) với Tôn Phi Phi vai Nữ Oa… Ngoài ra, hình ảnh Nữ Oan còn xuất hiện trong nhiều bộ phim khác.
Hằng Nga
Hằng Nga hay Thường Nga là một nhân vật thần thoại trong truyền thuyết của người Trung Hoa và một số nền văn minh chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa.
Nhắc đến Hằng Nga là người ta nghĩ ngay đến một thiếu nữ xinh đẹp nên lên phim, nhân vật này được giao cho các mỹ nhân thể hiện. Có thể kể đến là Khưu Bội Ninh trong Tây du ký (1986), Trần Hồng trong phim Chàng Trư sinh tình (200), Phạm Văn Phương trong Truyền thuyết Hằng Nga (2003), Lưu Đào trong phim Bảng phong thần (2006), Mã Tô trong Hoan lạc nguyên soái (2012)…
Quán Âm Bồ Tát
Quán Âm Bồ Tát là danh hiệu của một vị Phật đáng lẽ đã chứng quả Phật, nhưng còn nguyện lẫn lộn ở cõi ta bà để cứu độ chúng sinh. Người ta cũng gọi Ngài là Quan Âm Phật, Quan Âm Như Lai, Quan Thế Âm, Quan Âm Nam Hải, Phổ Đà Phật Tổ…
Hình ảnh của vị Phật này rất được kính trọng trên màn ảnh, là cảm hứng cho nhiều bộ phim như Quan Thế Âm (1985, TVB) qua diễn xuất của Triệu Nhã Chi; Tây du ký (1986) với Tả Đại Phân; Tây du ký (2011) với Lưu Đào và gần đây là Mẫu Tổ với Lâm Tâm Như đóng vai Phật Bà Quan Âm.
.
Thất Tiên Nữ
Trong giới thần tiên theo truyền thuyết Trung Hoa có tích 7 nàng tiên rất nổi tiếng là con của Ngọc Hoàng Thượng Đế và Vương Mẫu Nương Nương, xuống trần gian dạo chơi, chẳng may nàng tiên út Tử Nhi vướng lưới tình với người phàm Đổng Vĩnh.
Chuyện tình trắc trở của nàng tiên út đã nhiều lần được đưa lên màn ảnh nhỏ qua sự thể hiện của La Huệ Quyên (Thiên tiên phối, 1998), Hoắc Tư Yến (Hoan hỉ thiên địa thất tiên nữ, 2004), Lâm Y Thần (Tiên ngoại phi tiên, 2006), Huỳnh Thánh Y (Tân Thiên tiên phối, 2007), Tào Dĩnh (Thiên tiên phối hậu truyện, 2013)…
Bát Tiên
Bát Tiên là một nhóm tiên trong Thần thoại Trung Hoa, gồm có Chung Ly Quyền, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lý Thiết Quải, Tào Quốc Cữu, Lã Động Tân, Lam Thái Hòa, và Hà Tiên Cô. Rất khác nhau về bề ngoài và cá tính, 8 vị này là Đại Tiên trong Đạo gia, và họ thường tụ tập, họp mặt với nhau.
Tuy số lượng phim về Bát Tiên không nhiều nhưng mỗi khi họ xuất hiện trên màn ảnh, không khí luôn náo nhiệt vì đông vui. 3 bộ phim đáng chú ý có mặt họ là Đông du ký (1998), Tiếu Bát Tiên (2002) và Bát Tiên toàn truyện (2009).
ANH DƯƠNG