Hình ảnh gần gũi của Bác Hồ qua những ca khúc đi cùng năm tháng
Trong các giai đoạn phát triển của lịch sử cách mạng giải phóng, giành độc lập tự do cho dân tộc ở Việt Nam, nhiều nhạc sỹ nổi tiếng như: Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Tô Vũ, Lê Lôi, Lưu Cầu, Thuận Yến, Phạm Tuyên, Trần Hoàn… đều có những sáng tác để đời về hình tượng Bác Hồ.
Ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người |
Trong số vô vàn những sáng tác của các nhạc sỹ, ca khúc “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của nhạc sỹ Trần Kiết Tường, sáng tác năm 1960 là một trong những ca khúc hay nhất về Bác. Lời ca trong bài hát làm xao xuyến hàng triệu trái tim Việt Nam: "Trên cánh đồng miền Nam/ Đau thương mây phủ chân trời/ Khi ca lên Hồ Chí Minh/ Nghe lòng phơi phới niềm vui/ Trên xóm làng miền Nam/ Hình Người như “Tiến quân ca”/ Giục lòng vươn cánh bay xa/ Vùng lên giải phóng quê nhà… / Tôi hát ngàn lời ca/ Nồng nàn hơn nắng ban mai/ Đẹp tình hơn cánh hoa mai/ Hùng thiêng hơn núi sông dài/ Là một niềm tin! Hồ Chí Minh...”. Nhạc sỹ Trần Kiết Tường viết ca khúc này đúng thời điểm nhân dân miền Nam đang sống trong cảnh gông cùm, đau thương. Và trong hoàn cảnh đau thương ấy, nhân dân miền Nam vẫn luôn nhớ và luôn có niềm tin vững chắc vào Bác Hồ…
Với 26 ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến nay, nhạc sĩ Thuận Yến vẫn là người giữ “kỷ lục” về nhạc sỹ có nhiều sáng tác về Bác Hồ nhất. Trong số đó, 2 bài hát nổi tiếng là “Bác Hồ một tình yêu bao la” và “Miền Trung nhớ Bác”. Trong đó, tác phẩm “Bác Hồ một tình yêu bao la” được nhiều người yêu thích hơn cả. Giai điệu thiết tha, sâu lắng, ca từ thấm đẫm cảm xúc, chứa chan tình yêu bao la của Người với nhân dân Việt Nam đã làm lay động biết bao tâm hồn: “Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa/ Bác yêu đàn cháu nhỏ Trung thu gửi cho quà/ Bác thương đoàn dân công, đêm nay ngủ ngoài rừng/ Bác thương người chiến sỹ đứng gác ngoài biên cương…”.
Trong ca khúc “Miền Trung nhớ Bác”, nhạc sỹ Thuận Yến lại đưa người nghe theo bước chân Bác đi dọc miền Trung, từ Huế nơi Bác học trường Quốc học, qua Quảng Nam đến Bình Khê thăm người cha làm tri huyện… trước khi Người đến bến nhà Rồng tìm đường cứu nước. Để rồi, cuối bài, nhạc sỹ Thuận Yến đã nói hộ tiếng lòng của người dân miền Trung, khi nhớ về Bác “Đất quê tôi đưa Bác suốt dặm trường để bây giờ đất gọi mãi nhớ thương…”. Ngoài 2 bài hát rất nổi tiếng này, nhạc sỹ Thuận Yến còn có nhiều bài hát rất hay về Bác Hồ như “Người về thăm quê”, “Vầng trăng Ba Đình”…
Nhạc sỹ Trần Hoàn cũng là một trong số những nhạc sỹ có những nhạc phẩm để đời về Bác Hồ. Trong đó, tiêu biểu hơn cả là ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” năm 1989 và bài “Thăm bến Nhà Rồng” năm 1990. Hai ca khúc này cũng đã trở thành những sáng tác bất hủ trong lòng công chúng, bởi mỗi bài hát là sự khắc họa một cách chân thực, gần gũi về hình ảnh của Bác Hồ, và cũng là một câu chuyện kể bằng âm nhạc giúp người nghe hiểu thêm một phần về cuộc đời của Bác.
Nếu như trong “Thăm bến Nhà Rồng”, nhạc sỹ Trần Hoàn đã miêu tả khá sinh động hình ảnh của Bác Hồ khi còn trẻ, từ bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Giai điệu mượt mà, tha thiết trong bài hát đưa người nghe ngược dòng quá khứ, mường tượng thời điểm Bác lên tàu ra đi tìm đường cứu nước, để rồi lại bùi ngùi luyến tiếc “Bến Nhà Rồng xa xưa vẫn còn đây/ với chiếc cầu tàu nhưng nay Bác ở đâu…”, thì “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” là một câu chuyện xúc động, về những giây phút lúc Người lâm chung, khiến nhiều người rơi nước mắt. Xuyên suốt bài ca là niềm mong mỏi được nghe những làn điệu dân ca của Bác Hồ, trước khi Người “qua bên kia bầu trời”, bởi “Người muốn đem tận vô cùng, bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông...”.
“Người sống mãi trong lòng Việt Nam”
Còn nhiều lắm, những ca khúc viết về Bác Hồ, mà ca khúc nào cũng sống mãi trong lòng người dân Việt. Có thể kể đến những bài hát như “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Nhã Phong, “Em mơ gặp Bác Hồ” của Trương Xuân Giao, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của Nguyễn Tài Tuệ, “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của Cao Việt Bách (thơ Đăng Trung), “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng…
Nhạc sỹ Phạm Tuyên có bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, được sáng tác ngay trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Với ca từ đơn giản, giai điệu rộn ràng, vui tươi, nhạc sĩ Phạm Tuyên như đưa Bác đến chia vui cùng với nhân dân cả nước trong ngày chiến thắng…
Hình ảnh Bác Hồ luôn hiện lên thân thương gần gũi với quần chúng nhân dân |
Trong số hàng trăm ca khúc viết về Bác, không biết do vô tình hay hữu ý, mà hầu hết các nhạc sỹ đều lựa chọn dòng nhạc mang âm hưởng của những làn điệu dân ca. Nhạc sỹ Đỗ Nhuận với bài “Trông cây lại nhớ đến Người”. Trên nền nhạc dân ca được chỉnh lý, câu hát “A ơ, chứ trồng cây tôi lại nhớ Người/ chứ rừng bao nhiêu cây mọc/ thì tôi ơn Người bấy nhiêu…” khiến không ít người nhầm tưởng đây là một bài dân ca Nghệ An.
Nhạc sĩ An Thuyên lại mang những âm hưởng đằm thắm, sâu lắng vào trong âm hưởng dân ca Nghệ An vào trong bài “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, để hình dung về thời niên thiếu của Bác Hồ. “Đêm sông Lam nhớ Bác, “Đêm trăng lên nghe tiếng/ đò đưa ngân rất gần/ nhớ chuyện Người thuở xa xưa/ Bác lớn lên trên quê đất mẹ nghèo…/ Tuổi ấu thơ Bác đã đi/ suốt chiều dài câu đò đưa/ Tuổi ấu thơ Bác đã sống/ suốt chiều rộng câu dân ca…”. Rồi “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của Trần Hoàn, “Miền Trung nhớ Bác” của Thuận Yến… cũng đều thấm đẫm âm hưởng dân ca. Có lẽ, các nhạc sỹ khi sáng tác những ca khúc ấy, đều bắt nguồn từ tình cảm sâu nặng của Bác Hồ dành cho những khúc dân ca lúc sinh thời.
Giờ đây, dù Bác Hồ đã đi xa, nhưng Người vẫn sống mãi trong lòng người dân Việt, qua những ca khúc, những tác phẩm âm nhạc bất hủ về Người qua nhiều thế hệ.