HĐND TP Đà Nẵng ủng hộ đề án phân bổ dân cư
Các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng ủng hộ việc triển khai đề án phân bổ dân cư nhằm đảm bảo số lượng công dân (theo dự báo) và mật độ dân số không vượt quá ngưỡng chịu đựng của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội - Ảnh: HC |
Bà Lương Nguyệt Thu, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho hay, qua thảo luận, phần lớn các ý kiến cho đây là đề án hết sức cần thiết nhằm quản lý, điều hoà và phân bổ dân cư phù hợp với định hướng về quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Đà Nẵng đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Nội dung đề án cơ bản đáp ứng được yêu cầu của việc phân bổ dân cư trên địa bàn giai đoạn 2013 - 2020 với các tiêu chí cụ thể, có cơ sở khoa học.
Đặc biệt, nhiều đại biểu đã "soi" khá kỹ cơ sở pháp lý của đề án này và nhận thấy đề án này phù hợp với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, tại khoản 3 Điều 12 quy định HĐND tỉnh "thực hiện phân bổ dân cư và cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương"; khoản 4 Điều 18 quy định HĐND TP trực thuộc TƯ "quyết định biện pháp quản lý dân cư ở TP và tổ chức đời sống dân cư đô thị" và "tổ chức, chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý dân cư và tổ chức đời sống dân cư đô thị"...
Đối chiếu với Pháp lệnh Dân số năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), nhiều đại biểu nhận thấy đề án phù hợp với khoản 1 Điều 16 quy định "Nhà nước thực hiện việc phân bổ dân cư hợp lý giữa các khu vực, vùng địa lý kinh tế và các đơn vị hành chính"; khoản 3 Điều 18 về thẩm quyền phân bổ dân cư đô thị quy định "UBND các cấp... có trách nhiệm quản lý dân cư, quản lý đô thị, quản lý lao động từ nơi khác đến"; khoản 2 Điều 19 quy định "UBND các cấp thực hiện chính sách phát triển KT-XH, cải thiện đời sống của nhân dân nhằm giảm động lực di cư tự phát, giải quyết kịp thời các vấn đề của di cư tự phát theo quy định của pháp luật"... và cũng phù hợp với Luật Cư trú năm 2006.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu khuyến cáo, để việc triển khai đề án này trên thực tế sớm đạt được những mục tiêu đề ra, cần phải quan tâm xây dựng các giải pháp phân bổ dân cư một cách đầy đủ hơn, khả thi và có thứ tự ưu tiên cho các giải pháp. Đặc biệt là phải chú ý đến giải pháp về đảm bảo quy hoạch xây dựng chung của TP.
"Không xây dựng mới các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, không mở rộng quy mô các bệnh viện, trường học hiện có trong nội thành; có lộ trình di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục dạy nghề ra khỏi nội thành. Quỹ đất sau khi di dời các cơ sở này được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cộng trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chứ không sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng" - bà Lương Nguyệt Thu, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ các khu đô thị ở ngoại thành; gắn việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với phát triển KT-XH và giải quyết việc làm để hạn chế số người nhập cư vào nội thành. Đồng thời đề nghị UBND TP Đà Nẵng khẩn trương chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai một cách cụ thể, có lộ trình phù hợp ngay sau khi đề án được thông qua; tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm thực hiện đề án vào năm 2015 để điều chỉnh, bổ sung cho việc thực hiện đến năm 2020.