Hãy sử dụng kháng sinh có trách nhiệm
Ngày 18/11, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức buổi truyền thông hưởng ứng tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do WHO phát động hằng năm trên toàn thế giới.
Cảnh báo kháng kháng sinh
Chủ đề năm 2021 là “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”, diễn ra từ ngày 18/11/2021- 24/11/2021. Sở dĩ chọn chủ đề này vì thuốc kháng sinh được coi là một giải pháp cho con người trong điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Nhờ có thuốc kháng sinh đã giúp kiểm soát được nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Kháng kháng sinh xảy ra tự nhiên, nhưng việc sử dụng không đúng ở người và động vật đang đẩy nhanh quá trình kháng kháng sinh. Kháng kháng sinh đang gia tăng mức độ nguy hiểm ở tất cả các nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu nhiều tiến bộ trong sức khỏe và thuốc điều trị, đòi hỏi phải có nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.
Bệnh nhân điều trị tại BV Nhi đồng 1, TP.HCM |
Theo BS Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế kháng kháng sinh (AMR) là một trong những thách thức về y tế lớn nhất toàn cầu. Tình trạng này xảy ra khi các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Kháng kháng sinh gây ra bởi tình trạng sử dụng thuốc chưa hợp lý, như sử dụng kháng sinh cho các nguyên nhân gây ra do virus như cảm lạnh, cúm, hoặc dùng thuốc kháng sinh theo đơn thuốc được kê cho người khác, tự mua thuốc kháng sinh để sử dụng, hoặc sử dụng thuốc kém chất lượng, hoặc kê đơn chưa hợp lý… Bên cạnh đó, công tác phòng, chống nhiễm khuẩn chưa hiệu quả có thể dẫn đến sự phát triển và lan rộng của tình trạng kháng thuốc.
Tại Việt Nam, thuốc kháng sinh chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí điều trị của người bệnh. Đáng chú ý, nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng là một phần nguyên nhân của các bệnh hô hấp phổ biến như viêm xoang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi cộng đồng… với tỷ lệ kháng kháng sinh ngày càng tăng, làm gia tăng tỷ lệ tử vong dẫn đến nhiều gánh nặng về điều trị y tế và tổn thất kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố dẫn đến sự lan rộng của kháng kháng sinh, như tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế, thiếu thiết bị xét nghiệm vi sinh, thiếu nhân viên được đào tạo chính quy về vi sinh và dược lâm sàng.
Bị Covid-19 không được dùng kháng sinh
Theo bác sĩ Thái, khi bị Covid-19 không thể sử dụng kháng sinh bừa bãi. Vì Covid-19 là do SARS-CoV-2 gây ra, kháng sinh không có tác dụng chống lại virus. Mặc dù một số bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị bằng kháng sinh, nhưng đó là biện pháp dùng để điều trị các nhiễm trùng cơ hội hay còn gọi là biến chứng do nhiễm khuẩn bội nhiễm. Nhưng các trường hợp này, việc dùng kháng sinh phải được khuyến nghị bởi các thầy thuốc, dựa trên tình trạng lâm sàng của người bệnh.
Tình trạng kháng thuốc có xu hướng tiếp tục gia tăng do việc sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh trong đại dịch Covid-19 cũng đã được Tổ chức y tế Thế giới cảnh báo.
Hơn 1 năm qua, với diễn biến phức tạp của bệnh dịch Covid-19 tại Việt Nam, vấn đề nâng cao hiểu biết, nhận thức của mọi tầng lớp người dân về việc sử dụng thuốc kháng sinh (5 đúng) đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng và đúng thời gian... càng cần thiết được nâng cao.
Theo bác sĩ Thái, trước diễn biến của dịch Covid-19, Bộ Y tế liên tục cập nhật và ban hành hướng dẫn về chẩn đoán điều trị trong đó có nội dung sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bội nhiễm. Tất cả tài liệu của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã rất đầy đủ. Phác đồ điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới tại Việt Nam dựa trên thông tin từ những trung tâm nghiên cứu lớn của WHO và thực tế điều trị tại các quốc gia trên thế giới. Về quản lý sử dụng thuốc kháng sinh, Bộ Y tế đã tích cực triển khai "Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện" được ban hành kèm theo Quyết định số 5631/QĐ-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế, hướng dẫn này đã được nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục triển khai thông qua các buổi tập huấn, hội thảo. Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chiến lược phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2022-2026.
Khánh Chi