Hầu hết các cô gái trẻ dễ “sập bẫy” bọn buôn bán người
Nhiều cô gái trẻ 'sập bẫy" bọn buôn bán người (ảnh minh họa) |
72% tổng số vụ mua bán người là sang Trung Quốc
Đại diện Tổ chức di cư Quốc tế tại Việt Nam (IOM) tại báo cáo hồ sơ di cư Việt Nam năm 2016 cho biết, thống kê về các vụ mua bán người và số lượng nạn nhân rất khó khăn, nguyên nhân là do các nguồn số liệu khác nhau đưa ra các con số khác nhau.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 138/CP, trong giai đoạn từ 21/11/2010 đến 20/11/2015 cả nước đã phát hiện 2.205 vụ mua bán người, với 3.342 đối tượng, lừa bán 4.495 nạn nhân, trong đó trên 85% là phụ nữ và trẻ em (Ban Chỉ đạo 138/CP 2015a). Hầu hết các vụ mua bán người bị phát hiện đều là mua bán người qua biên giới. Gần 90% số vụ mua bán người ra nước ngoài diễn ra qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc; đặc biệt các vụ mua bán người qua biên giới với Trung Quốc chiếm đến 70% tổng số vụ bị phát hiện.
Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo 138 thì, trong giai đoạn 2008-2016, đã phát hiện 3.897 vụ mua bán người với 6.188 đối tượng và 8.336 nạn nhân. Số vụ phát hiện được có xu hướng tăng từ năm 2008 và đạt đỉnh điểm vào năm 2013 với 507 vụ bị phát hiện. Sau năm 2013, số vụ có xu hướng giảm xuống, song số nạn nhân của mua bán người có xu hướng tăng lên. Số lượng nạn nhân phát hiện được năm 2015 có giảm đôi chút so với năm 2014 song năm 2016 con số này lại tăng mạnh. Xu hướng chung trong toàn giai đoạn là sự gia tăng nạn nhân của mua bán người.
Đại diện IOM cũng nhấn mạnh, kết quả tổng điều tra, rà soát tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan giai đoạn 2008-2013 cho thấy, đến thời điểm giữa năm 2013 tổng số có 2.390 vụ được phát hiện, trong đó mua bán người từ đủ 16 tuổi trở lên là 2105 vụ (chiếm 88.1% tổng số vụ mua bán người bị phát hiện), mua bán trẻ em dưới 16 tuổi là 177 vụ (7.4%) và mua bán cả người lớn và trẻ em là 108 vụ (4.5%). Có 2.293 vụ mua bán người ra nước ngoài và chỉ có 97 vụ mua bán người trong nước. 72% tổng số vụ mua bán người là sang Trung Quốc.
Tội phạm mua bán người phát hiện ở tất cả 63 tỉnh thành
Về mục đích, trong tổng số 2.390 vụ mua bán người nói trên, có 1.392 vụ là mua bán người vì mục đích mại dâm (58,2% số vụ), 398 vụ vì mục đích hôn nhân cưỡng bức (16,7% số vụ), 13 vụ vì mục đích cưỡng bức lao động (0,5% số vụ) và 587 vụ vì các mục đích khác (24,6% số vụ). Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người năm 2014 của Ban Chỉ đạo 138/CP đưa ra năm 2014, ước tính tội phạm mua bán người thông qua xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động chiếm khoảng 20% số vụ mua bán người được phát hiện; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, trẻ sơ sinh đưa ra nước ngoài chiếm 13% tổng số vụ.
"Mua bán người với mục đích mại dâm và hôn nhân là những hình thức phổ biến nhất và tuyến mua bán người ra nước ngoài chủ yếu là qua biên giới đường bộ Việt Nam-Trung Quốc. Đáng chú ý là tội phạm mua bán người bị phát hiện ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng nhiều nhất là các địa phương dọc tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Các vụ mua bán người qua biên giới với Trung Quốc khá đa dạng, bao gồm hình thức kết hôn giả nhằm đưa phụ nữ vào các động mại dâm dọc biên giới, mua bán đàn ông để cưỡng bức lao động, mua bán trẻ sơ sinh, thai nhi, mua bán người để lấy nội tạng”- đại diện IOM nhấn mạnh.
Mua bán người qua biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia cũng chủ yếu là mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm khu vực biên giới. Ngoài ra cũng có mua bán người cho mục đích cưỡng bức lao động, đẻ thuê, hoặc trung chuyển sang nước thứ ba cho hôn nhân cưỡng bức. Một số phụ nữ, trẻ em người nước ngoài bị đưa trái phép sang Campuchia để bán đi nơi khác cũng đã bị phát hiện.
Tại tuyến biên giới Việt Nam-Lào cũng có nhiều vụ mua bán người với mục đích mại dâm hay ép buộc hôn nhân nhưng với quy mô và mức độ thấp hơn so với tuyến biên giới với Trung Quốc hay Campuchia.
“Hầu hết nạn nhân của mua bán người là phụ nữ, trong đó người Kinh chiếm 56,3% và 43,7% là người dân tộc thiểu số (DTTS). Đại đa số nạn nhân là người chưa có vợ/chồng (81,8%); chỉ có 18,2% là người hiện đã lập gia đình trước khi bị mua bán. Trong số này hầu hết nạn nhân thuộc các gia đình nghèo, không có nghề hoặc làm ruộng. Đáng chú ý là có 232 người là học sinh, sinh viên (4,9%) cũng là nạn nhân của mua bán người. Đa số nạn nhân có trình độ học vấn thấp (18,3% không biết chữ và 75,1% chỉ có trình độ học vấn tiểu học hoặc trung học cơ sở). Điều đáng lo ngại là nạn nhân của tội phạm mua bán người không chỉ bao gồm phụ nữ hay trẻ em, mà cả đàn ông, trẻ sơ sinh, thai nhi. Đây là những biến thái mới rất nguy hiểm của tội phạm mua bán người”- đại diện IOM cho hay.