Hàng Việt về sông Đốc
Toàn cảnh phiên chợ Hàng Việt về nông thôn đầu tiên Xuân Nhâm Thìn 2012 tại huyện Đầm Dơi – tỉnh Cà Mau (25-27/02/2012)
Huyện Trần Văn Thời nằm xa trung tâm thành phố, có nhiều cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển, lớn nhất là cửa Sông Đốc; có nhiều tiềm năng về nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp. Mô hình trồng xen canh tôm-lúa, nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp và quản canh cải tiến… là thế mạnh của địa phương. Là cửa biển quan trọng của tỉnh Cà Mau, huyện thường xuyên có khoảng 5.000 tàu khai thác hải sản ra vào để mua bán hải sản, trao đổi hàng hóa và các nhu yếu phẩm cho các chuyến ra khơi. Ngoài ra, nơi đây còn cung cấp hàng hóa đi các đảo thuộc tỉnh Cà Mau và một số đảo thuộc tỉnh Kiên Giang trên vịnh Thái Lan.
Chợ Rạch Ráng có khoảng 200 tiểu thương, kinh doanh đầy đủ các mặt hàng được mua sỉ từ thành phố Cà Mau và TPHCM. Theo nhận định chung, các mặt hàng bình dân sẽ thu hút được khách hàng bởi thói quen mua sắm của người tiêu dùng địa phương. Hàng Việt do chính nhà sản xuất trực tiếp bán với nhiều hình thức khuyến mãi được dự kiến sẽ kích thích sức mua lớn ở thị trường 190.000 dân này; giúp người tiêu dùng nhận biết và đẩy lùi hàng nhái, kém chất lượng ở chợ địa phương.
Trước mùa tôm đầy rủi ro như vừa qua, buổi Tọa đàm tư vấn tiêu dùng cho nông dân diễn ra tại phiên chợ sẽ cung cấp cho nhiều hộ nuôi các kiến thức về kỹ thuật và phương pháp thực hiện “mô hình tôm – lúa”. Đặc điểm của mô hình này là kết hợp trồng lúa với nuôi tôm trên cùng diện tích canh tác, cùng thời điểm mùa vụ. Lúa sẽ che cho tôm. Các vi sinh vật trên gốc lúa là nguồn thức ăn cho tôm. Ngược lại, thức ăn cho tôm còn dư sẽ nhanh chóng biến thành chất mùn nuôi cây lúa.
Ngoài ra, người tiêu dùng ở miền biển Trần Văn Thời còn có dịp thi tài ở game show sản phẩm mới (chọn giá đúng, lắp ráp ô chữ; hướng dẫn sử dụng sản phẩm tiện ích, sản phẩm mới). Đặc biệt là chương trình văn nghệ, có sự góp mặt của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đến từ TPHCM hứa hẹn là chương trình hấp dẫn đối với khán giả ở huyện Trần Văn Thời.
Một chương trình không thể thiếu trong mỗi phiên chợ đó là chia sẻ của doanh nghiệp hàng Việt với người nghèo địa phương. Dịp này, có 30 học sinh nghèo hiếu học ở 3 cấp lớp và 30 người nghèo ở địa phương được nhận quà từ Ban tổ chức phiên chợ.
Tại phiên chợ này, các doanh nghiệp còn tổ chức huấn luyện tiểu thương cách bán hàng, trưng bày hàng hóa… tạo hấp dẫn cho người tiêu dùng, mang lại hiệu quả cao.