Hàng trăm ngôi nhà ở Thái Nguyên bị tốc mái và sập do dông lốc, mưa đá
Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, vào đêm 14, rạng sáng ngày 15/4, giông lốc kèm theo mưa đá lớn đã xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại nặng nề về tài sản và hoa màu của người dân.
Nhà dân bị tốc mái tại xã Sơn Phú, huyện Định Hóa. (Ảnh: NNVN) |
Theo thống kê ban đầu, các huyện Định Hóa, Phú Lương và Đại Từ là 3 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất của trận giông lốc kèm theo mưa đá. Tại huyện Định Hóa, toàn bộ 24/24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều bị thiệt hại. Tính đến thời điểm chiều 15/4, toàn huyện có 517 ngôi nhà thủng, tốc mái; 3 nhà văn hóa xóm, 3 công trình nhà lớp học bị hư hỏng; trên 100ha lúa, hoa màu, gần 200ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại… Ước tính tổng thiệt hại khoảng trên 30 tỷ đồng.
Tại huyện Phú Lương, 493 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; gần 100ha lúa và hoa màu bị thiệt hại nặng; nhiều cột điện bị gãy đổ… Ước tính thiệt hại trên 1,7 tỷ đồng.
Tại huyện Đại Từ, mưa đá gây thiệt hại chủ yếu ở 2 xã: Đức Lương và Phúc Lương. Theo đó, xã Phúc Lương có 1 căn nhà bị sập hoàn toàn; 80 căn nhà bị hỏng mái; trên 100 căn nhà bị tốc mái và khoảng 20ha hoa màu bị ảnh hưởng. Xã Đức Lương có 1 nhà văn hóa bị tốc mái…
Ngoài 3 địa phương nói trên, trận giông lốc kèm theo mưa đá còn gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp của người dân huyện Đồng Hỷ và TP Sông Công. Tại huyện Đồng Hỷ, khoảng 30ha cây rau màu, chủ yếu là ngô đã bị đổ gãy, ngập nước. Tại TP Sông Công, mưa lớn đã khiến 5 hộ gia đình bị đổ tường rào và hư hỏng công trình chăn nuôi; 16ha cây ngô bị đổ, gãy… Uớc tính thiệt hại trên 300 triệu đồng.
Sau trận lốc và mưa đá, bà con đã tranh thủ giúp nhau sửa chữa, lợp lại nhà. |
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố đã khẩn trương chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; đồng thời, thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, nắm bắt tình hình, thống kê thiệt hại và thăm hỏi, hỗ trợ những gia đình bị ảnh hưởng.
Tại huyện Định Hóa, tính đến 17 giờ chiều 15/4, hầu hết những căn nhà bị hư hỏng nhẹ đã được sửa chữa, khắc phục xong. Toàn huyện còn khoảng 50 căn nhà bị hư hỏng nặng chưa thể sửa chữa ngay, chính quyền địa phương đã bố trí chỗ ở tạm cho người dân tại nhà văn hóa xóm và các gia đình lân cận; đồng thời, trích nguồn kinh phí dự phòng của địa phương hỗ trợ cho những gia đình bị thiệt hại nặng sớm ổn định cuộc sống.
Dông lốc và mưa đá đã khiến ngôi nhà này bị hư hỏng |
Tại tỉnh Tuyên Quang, theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Tuyên Quang, cũng trong đêm 14/4, rạng sáng ngày 15/4, các khu vực trên địa bàn tỉnh đã có mưa rào và dông. Các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm. Tại thị trấn Vĩnh Lộc, xã Phú Bình (Chiêm Hóa) có lượng mưa 67 mm; xã Minh Quang (Chiêm Hóa) lượng mưa 63 mm; thị trấn Na Hang (Na Hang) mưa 60 mm.
Ngôi nhà của ông Hoàng Văn Chương, thôn Cuôn, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) bị dông lốc làm sập đổ. |
Mưa to kèm dông lốc đã làm 94 nhà dân của huyện Chiêm Hóa tốc mái và hư hỏng, trong đó 3 nhà bị sập đổ; 1 điểm trường bị hư hỏng; trên 120 ha lúa, cây màu bị vùi lấp; 18 ha chuối bị đổ; 30 ha keo bị gẫy; 6 cầu tạm dân sinh bị cuốn trôi...
Tại huyện Na Hang, thiệt hại lớn nhất tập trung tại xã Sơn Phú, trong đó có 5 nhà dân bị tốc mái trên 70% và 61 nhà bị tốc mái một phần.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tuần qua, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Trước đó, ngày 8/4, mưa dông đã làm sập chốt bảo vệ rừng Tham Đét, thuộc Hạt Kiểm lâm Na Hang, khiến 1 nhân viên tuần rừng bị thiệt mạng; 142 nhà tốc mái và hư hỏng, 161,1 ha ngô bị đổ, gẫy.