Hàn Quốc "tuyên chiến" với nạn rửa tiền như thế nào?
Để làm được điều đó, Chính phủ Hàn Quốc đã có những chuẩn bị từ rất sớm với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cũng như những nỗ lực từ chính các cơ quan trong nước.
Xử phạt mạnh
Hàn Quốc gia nhập tổ chức quốc tế về Phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố (Egmont Group) từ năm 2002, và trở thành thành viên chính thức của FATF năm 2009. Cơ quan liên Chính phủ thiết lập các tiêu chuẩn và thúc đẩy thực hiện hiệu quả các biện pháp pháp lý và các hoạt động chống rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng như các mối đe dọa khác có liên quan đến tính toàn vẹn của hệ thống tài chính quốc tế.
Trước đó, Hàn Quốc cũng thành lập một đơn vị tình báo tài chính (KoFIU), năm 2013 do sự lan rộng mạnh mẽ của nền kinh tế ngầm, vai trò của KoFIU tại Hàn Quốc đã được đẩy mạnh hơn.
Năm 2001, Hàn Quốc ban hành Luật Báo cáo giao dịch tài chính đối với các giao dịch đáng ngờ (FTRA). Luật này được sửa đổi vào năm 2005 theo hướng giám sát tất cả các giao dịch tiền mặt giá trị lớn. Đến năm 2007, Hàn Quốc ban hành Luật Cấm tài trợ cho tội phạm đe dọa công cộng (PFOPIA). Tiếp đó, vào năm 2013, Chính phủ Hàn Quốc tăng cường xử phạt những vi phạm về nghĩa vụ báo cáo đối với các tổ chức tín dụng.
Để tăng cường nghĩa vụ xác nhận khách hàng, các tổ chức tín dụng phải cung cấp bằng chứng của việc thực hiện nghĩa vụ xác nhận khách hàng, đồng thời phải thực hiện xác nhận khách hàng phân biệt theo loại hình giao dịch và loại hình khách hàng. Theo đó, phạm vi báo cáo cũng được mở rộng đối với các loại hình giao dịch và các hành vi liên quan đến rửa tiền, hành vi trốn thuế, hành vi tài trợ cho tội phạm de dọa công cộng.
Để làm được việc này, Hàn Quốc đã thiết lập và quản lý hệ thống theo dõi liên tục, bằng việc theo dõi các mẫu giao dịch; Xây dựng quy trình phân tích kết quả và quy trình báo cáo; nhất là viêc lưu trữ tài liệu liên quan trong thời gian ít nhất 5 năm.
Nếu các cơ quan tài chính không tuân thủ quy định báo cáo giao dịch đáng ngờ STR và quy định báo cáo giao dịch tiền mặt cao CTR của KoFIU đều phải chịu mức phạt từ 4.500 đến 9.000 USD trên một giao dịch. KoFIU còn thiết lập hình phạt đối với những vi phạm nghĩa vụ phòng chống rửa tiền, và cụ thể hóa các loại hình kỷ luật đối với cán bộ và nhân viên vi phạm.
Bên cạnh đó, Viện Phân tích thông tin tài chính và Viện Giám sát tài chính với các lực lượng đặc nhiệm riêng rẽ cũng góp phần ngăn chặn các hoạt động rửa tiền. Chính vì thế, hệ thống phòng, chống rửa tiền trên đã tối thiểu hóa ảnh hưởng nghiệp vụ và tuân thủ triệt để các quy định.
Tại Hàn Quốc, nếu cơ quan tài chính không tuân thủ quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ đều phải chịu mức phạt từ 4.500 đến 9.000 USD trên một giao dịch. Ảnh: minh họa |
Báo cáo giao dịch đáng ngờ tăng cao
Số lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) ngày càng tăng nhanh là bởi vì hệ thống báo cáo nội bộ trong các cơ quan tài chính đã được thiết lập. Năm 2006, giới chuyên gia nhận định rằng, báo cáo giao dịch tiền mặt cao (CTR) cũng có những ảnh hưởng tích cực đến báo cáo giao địch đáng ngờ (STR).
Theo dữ liệu từ báo cáo thường niên của KoFI cho thấy, số lượng STR được sắp xếp giảm dần trong 3 lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Đồng thời, số lượng báo cáo của công ty bảo hiểm trong toàn bộ tổng số báo cáo có xu hướng ngày càng tăng lên.
Năm 2013, nền kinh tế ngầm lan rộng mạnh mẽ tại Hàn Quốc, nhờ đó vai trò của KoFIU được đẩy mạnh một cách rõ ràng hơn. Đơn cử như dự định thử nghiệm “Dự luật sử dụng thông tin FIU” vào tháng 9/2013. Dự luật này quy định FIU có nghĩa vụ cung cấp phân tích chi tiết của các giao dịch tiền mặt trong trường hợp cơ quan thuế vụ yêu cầu báo cáo về các giao dịch bị nghi ngờ trốn thuế đó.
Theo quy định báo cáo giao dịch tiền mặt cao (CTR) và quy định báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR), các tổ chức tài chính có nghĩa vụ báo cáo với FIU về các giao dịch trị giá cao từ 20.000 USD trở lên, và các giao dịch đáng ngờ trị giá từ 10.000 trở lên, tính trong một ngày.
Sau khi FIU thành lập, đã có tới 17.266 STR (chiếm 61.3%) trong tổng số 28,176 STR được sử dụng như là tài liệu thuế quan. Trong đó có 329.468 STR được báo cáo cho FIU năm 2011; và có 7.498 STR (chiếm 2,3%) được báo cáo cho Thuế vụ, và 100 triệu USD đã được thu hồi lại.
Ở Việt Nam, năm 2012, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền. Theo đó, Luật quy định rõ, khi phát hiện ra có giao dịch đáng ngờ, kể từ thời điểm phát sinh giao dịch thì trong thời gian tối đa là 48 giờ phải báo với cơ quan phòng, chống rửa tiền; Trong trường hợp phát hiện giao dịch do khách hàng yêu cầu có dấu hiệu liên quan đến tội phạm thì phải báo cáo ngay cho NHNN và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về xử phạt trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Nghị định 96 của Chính phủ đã ban hành cũng quy định rõ, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo đúng thời hạn quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn, không báo cáo các giao dịch đáng ngờ, không báo cáo các giao dịch chuyển tiền điện tử.
Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2012 đã phát hiện nhiều "giao dịch đáng ngờ" với tổng số tiền khoảng 51.000 tỷ đồng và đã gửi báo cáo chuyển cơ quan công an, thanh tra chuyên ngành. Ngoài ra, cơ quan này cũng đã gửi 165 báo cáo để chuyển công an và thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, NHNN cũng tiếp nhận nhiều thông tin liên quan các giao dịch đáng ngờ khác.