Hạn chế thanh toán tiền mặt để chống rửa tiền
Giao dịch bằng tiền mặt là cơ hội để tội phạm rửa tiền lợi dụng |
Ông Lê Văn Tuyên, đại diện Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, năm 2006, tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán đạt mức 19,27%, và hiện nay đã giảm xuống mức trên 12%. Mặc dù hệ thống thanh toán Việt Nam không ngừng đổi mới, hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập quốc tế, qua đó góp phần giảm dần tỷ trọng tiền mặt. Tuy nhiên, thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế vẫn còn lớn, nhất là trong khu vực dân cư; tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán, tỷ lệ tiền mặt/GDP của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các nước.
Có thể nói, trước năm 2012, các quy định về giải ngân tín dụng bằng chuyển khoản hay tiền mặt chưa cụ thể nên các tổ chức tín dụng tự quyết định hình thức giải ngân phù hợp nhu cầu của khách hàng. Do đó, giải ngân tín dụng bằng tiền mặt cho khách hàng cá nhân còn rất phổ biến,
Thời điểm đó, một số ngân hàng lớn cho biết, việc giải ngân bằng tiền mặt chiếm tới 70,2% tổng giá trị giao dịch khiến khối lượng rút tiền mặt nói chung tăng mạnh. Bên cạnh đó, các giao dịch bất động sản, tài sản có giá trị lớn, chuyển nhượng vốn, cổ phiếu, mua bán hàng hóa của tổ chức, cá nhân cũng thường được thanh toán bằng tiền mặt nhằm mục đích trốn thuế, không muốn minh bạch về giá trị tài sản. Việc sử dụng tiền mặt có giá trị lớn trong các giao dịch này đã tạo nền những mầm mống bất ổn về an ninh trật tự xã hội, làm thất thu thuế và tạo điều kiện cho các hành vi tham nhũng, rửa tiền…
Để ngăn chặn tình trạng này, đồng thời với mục đích nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán trong nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, năng lực giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hoá các hoạt động thanh toán của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, ngày 29/12/2006 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg phê duyệt (Đề án 291) cùng với đó là ban hành Nghị định số 161/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định về thanh toán bằng tiền mặt (Nghị định 161).
Với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, Ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị định 161 đã được triển khai và đi vào cuộc sống. Nghị định 161 đã phát huy tác dụng hạn chế thanh toán bằng tiền mặt và làm nền tảng cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Nghị định 161 đã tạo cơ sở để các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật: Chỉ thị 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước, Thông tư 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, Thông tư 01/2007/TT-NHNN ngày 7/3/2007 của Ngân hàng Nhà nước Hướng dẫn thực hiện Điều 4 và Điều 7 Nghị định số 161(Thông tư 01). Đồng thời, Nghị định 161 đã tạo hành lang pháp lý làm cơ sở cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tốt công tác thanh toán tại đơn vị mình như quy định cụ thể về phí giao dịch tiền mặt, hạn mức thanh toán tiền mặt và việc rút tiền mặt với số lượng lớn.
Cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định 161 đã góp phần làm giảm thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế. Theo số liệu thống kê về tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán từ năm 2001-2010 cho chúng ta thấy tỷ lệ này có xu hướng ngày càng giảm dần từ sau khi có Nghị định 161 ra đời.
Hiện nay, nhiều phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mới, hiện đại, tăng cường các tiện ích của các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt truyền thống phù hợp cho từng khu vực phát triển khác nhau. Thẻ ngân hàng, mobile banking, internet banking, SMS banking, ví điện tử… đã xuất hiện và dần đi vào cuộc sống.
Theo thống kê, tính đến tháng 12/2011, số thẻ đã phát hành là trên 41,2 triệu thẻ, tỷ lệ sử dụng thẻ ngân hàng so với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khác có xu hướng tăng lên (6 tháng cuối năm 2011 thanh toán bằng thẻ chiếm 7,71% số lượng giao dịch và 2,14% về giá trị giao dịch), tổng số ví phát hành hơn 788.379 ví, số lượng giao dịch đạt hơn 2,8 triệu lượt giao dịch có tổng giá trị hơn 7,5 tỷ đồng với khoảng 2,7 triệu/giao dịch.
Hoạt động thanh toán bằng tiền mặt gắn với nhiều hoạt động kinh tế “ngầm” luôn là mối bận tâm của các nhà quản lý và sự lo ngại công chúng trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế và các hoạt động phi pháp khác.