Hôm nay 31/10, Google tìm kiếm để biểu tượng gợi nhắc về Lễ hội Halloween. Thực tế thì ngày lễ này còn nhiều biểu tượng khác gắn với những câu chuyện rùng rợn.
Halloween vào ngày mấy tháng 10/2022, nguồn gốc và ý nghĩa giáo dục là gì?
Nguồn gốc ngày lễ Halloween
Halloween hay lễ hội hóa trang được tổ chức vào đêm cuối cùng của tháng 10 hằng năm, tức ngày 31/10. Giới trẻ Việt Nam hiện nay cũng có nhiều hoạt động hưởng ứng ngày lễ Halloween. Năm 2022, lễ Halloween rơi vào thứ Hai nên dự đoán các hoạt động vui chơi, lễ hóa trang sẽ được tổ chức nhiều vào 2 ngày cuối tuần trước đó.
Theo truyền thống, các cuộc hội hè vui chơi trong ngày Halloween thường xoay quanh các đề tài như chuyện may rủi, các chuyện kể về ma quỷ và phù thủy...
Từ "Halloween" xuất hiện từ nhà thờ Thiên chúa giáo, là dấu vết còn lại của lễ hội All Hallow Eve (lễ thánh). Ngày 1/11 là ngày lễ của người Thiên chúa bày tỏ lòng thành trước thánh thần.
Tuy nhiên, nguồn gốc lễ hội Halloween được cho là xuất phát từ dân tộc Celt, là một dân tộc sống cách đây hơn 2.000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ireland và miền Bắc nước Pháp.
Dân tộc Celt bắt đầu năm mới vào ngày 1/11 Dương lịch, có một lễ hội được cử hành vào đêm trước năm mới để vinh danh vị thủ lãnh đã quá cố là Samhain.
Ngày lễ hội này báo hiệu sự bắt đầu của mùa lạnh, của những ngày tối tăm thường được liên kết với sự tàn tạ và cái chết. Dân tộc Celt tin rằng Samhain cho phép những linh hồn người chết được trở về nhà trên trần gian vào đêm hôm đó.
Người xưa kể lại, vào ngày lễ Samhain linh hồn của người chết trong năm trước sẽ tìm đến một thể xác khác để bắt đầu cuộc sống mới trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, người sống không muốn linh hồn người chết nhập vào mình, vì thế vào đêm 31/10 dân làng dập tắt lửa trong nhà để làm cho nhà cửa lạnh lẽo và tẻ ngắt. Sau đó họ hoá trang thành ma cà rồng và lặng lẽ đi vòng quanh nhà hàng xóm tỏ vẻ hăm doạ để xua đuổi những hồn ma tìm thể xác.
Sau này người La Mã chinh phục vùng đất của dân tộc Celt và cai trị khoảng 400 năm (vùng này bây giờ là Anh Quốc). Trong giai đoạn này có hai lễ hội Samhain của dân tộc Celt. Một trong hai lễ đó được cử hành vào cuối tháng 10 để vinh danh những người đã chết, lễ thứ hai dành cho nữ thần La Mã về cây và quả.
Vào "ngày các vong hồn", những người nghèo đi khất thực sẽ được bố thí bánh trái gọi là "bánh vong hồn" để họ hứa sẽ cầu nguyện cho các vong hồn.
Ngày lễ Halloween có ý nghĩa giáo dục gì?
Vào lễ Halloween, có một truyền thuyết phổ biến về nhân vật Jack. Jack là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên Đàng vì lý do: lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng anh ta lại cũng không thể vào Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ nên quỷ không bắt anh.
Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm... trên đường trở lại trần gian. Jack phải cầm đèn bí ngô đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.
Câu chuyện về Jack đã trở thành một bài học làm người, đó là: Sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt; Phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ kẻ khó khăn; Không nên chơi đùa với ma quỷ. Ma quỷ còn được hiểu theo nghĩa bóng là những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái do trí thông minh và tưởng tượng của tuổi trẻ sáng tạo ra có khi làm hại đến người, đến xã hội... Chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và tội lỗi.
Halloween là một ngày dành cho Jack, một ngày được trở lại với cõi dương, có thể vui chơi thoải mái vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây cũng là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween.
Hải Đăng (tổng hợp)