Hai vợ chồng giành cả tuổi thanh xuân cho trẻ khuyết tật
Mặc dù đã 66 tuổi nhưng cô Nga vẫn gắn bó với các em |
Những ai đã từng theo đõi tập 7 Hát Mãi Ước Mơ đều biết đến 2 vợ chồng chú Minh và cô Nga, người đã đứng lớp giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục Trẻ em khuyết tật Quận 4, đến nay đã 28 năm.
Gặp cô chú trong một buổi sáng tại Trung tâm Giáo dục Trẻ em khuyết tật Quận 4, TP.HCM, không khí các lớp học rất say sưa, có lớp các bé ê a tập đọc theo thầy giáo, có lớp thì giáo viên phải cầm tay từng bé nắn nót từng con chữ. Cô Nga – vợ chú Minh cho biết hiện tại ở trung tâm có 70 em học sinh bị chậm trí và khiếm thính được chia thành 6 lớp với 3 cấp độ để giảng dạy.
Lớp khó giảng dạy nhất là lớp cấp độ 3 mà cô Nga đang đảm nhận. Mắc căn bệnh chậm trí hoặc hội chứng down, các bé khó tiếp thu những kỹ năng tưởng chừng đơn giản với nhiều người như ăn uống, đi vệ sinh, thay đồ… và người đứng lớp không còn cách nào khác là kiên nhẫn dạy kèm riêng cho từng em trong lớp.
Năm nay cô Nga đã 66 tuổi, cái tuổi đáng lẽ người ta đã về hưu từ lâu nhưng cô Nga vẫn rất tâm huyết với công việc giảng dạy cho các trẻ khuyết tật.
Là một trong những người đầu tiên gầy dựng nên trung tâm từ năm 1989, cô Nga đã phải đến từng hộ có trẻ bị khuyết tật để động viên các em đi học. Đến nay cô Nga trở thành giáo viên lớn tuổi nhất và có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc dạy dỗ trẻ khuyết tật tại trung tâm.
Có khoảng thời gian cô Nga nghỉ dạy để ở nhà trông đứa cháu nội mới sinh. Khi cháu đủ tuổi vào mẫu giáo, cô xin trở lại giảng dạy vì quá nhớ các bé. Cô cho biết ngày nào còn đi dạy là ngày đó cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Lắm lúc mệt mỏi vì những căn bệnh tuổi già nhưng cô vẫn chưa từng nghĩ đến việc chia tay các em học sinh thân yêu.
Cô Nga chia sẻ có rất nhiều niềm vui vô hình, khó tả khi đứng lớp với các em học sinh đặc biệt này.
Bản thân cô từng bị một học sinh hỏi khó rằng: “Cô có tuổi rồi sao không ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Để con cháu vô trường dạy là được rồi” khiến cô chỉ biết lắc đầu cười. Rồi lại có khi cô bị phụ huynh “mắng vốn” vì bé về nhà “yêu sách” đòi mẹ cầm tay mới chịu viết trong khi ở trường thì lại ngoan ngoãn tự giác. Đôi khi nhận được tin có những em ra trường và tìm được việc làm tốt khiến bà giáo già vui như mở hội trong lòng.
Sau giải phóng, cô trở thành giáo viên mẫu giáo và sau này chuyển sang công tác tại Trung tâm Giáo dục Trẻ em khuyết tật.
Cô Nga chia sẻ có rất nhiều niềm vui vô hình, khó tả khi đứng lớp với các em học sinh đặc biệt này |
Một năm sau đó, chú Minh cũng nối bước theo vợ giảng dạy cho những học sinh đặc biệt và phụ trách dạy vẽ, thể dục và múa cho các em. Bên cạnh đó, chú Minh là một trong những người hiếm hoi đưa bộ môn võ vào giảng dạy cho trẻ em khuyết tật.
Chú chia sẻ bản thân đã từng mất ngủ hơn 7 năm. Suốt những năm đó chú hoàn toàn không chợp mắt được chút nào và đã sụt hết 22 ký. Không chỉ vậy, khoảng thời gian đó chú còn phải cắt bỏ thận bị sạn và bị những cơn hen suyễn hoành hành. Có lúc tưởng chừng không gắng gượng nổi nhưng phép màu bỗng xảy ra khi chú bắt đầu ngủ lại được sau 7 năm và sức khỏe dần hồi phục. Khi đã “tỉnh hồn” như lời cô Nga ví von, chú bắt đầu nảy ra ý tưởng trang trí lại những bức tường cũ kỹ, hoen ố trong xóm.
Ban đầu chú còn thấp thỏm lo sợ bị người ta trách và bắt phải xóa những bức tranh đó đi nhưng ngược lại, tất cả mọi người đều ủng hộ và tấm tắc khen những tác phẩm nghệ thuật ngẫu hứng đó.
Chú Văn Minh đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong khu vực khi ngày ngày, người ta bắt gặp một ông lão dắt chiếc xe đạp cùng những lọ sơn đi “làm đẹp” cho phố phường. Đến nay chú tự hào cho biết sau 2 năm 3 tháng, bản thân đã vẽ được 34 bức tranh sơn tường tại Quận 4 và những khu vực lân cận.
Những bức tranh của chú đa phần khắc họa những nét đẹp của quê hương, mùa xuân và hòa bình. Dần dà, công việc đó trở thành một sở thích khó bỏ, chú chia sẻ: “Ngày nào không vẽ không chịu được”.
Hay như cô Nga vẫn thầm ước mỗi ngày thức giấc lại có thật nhiều sức khỏe để lên lớp dạy học cho các em khuyết tật. Ở cả hai cô chú đều toát lên sự lạc quan, yêu đời và hơn hết là khao khát được cống hiến hết mình cho lý tưởng sống cao đẹp. Điều đó khiến cho cả những người thuộc thế hệ trẻ cũng phải cảm thấy ghen tị và hổ thẹn.