Hài Táo quân xuân Giáp Ngọ: Không nên châm biếm ngành y tế?
Châm biếm trong chương trình Táo quân được coi là một sự châm biếm thành công bởi nó vừa mang lại nụ cười vừa đóng góp một tiếng nói đại diện cho người dân nhằm mục đích thức tỉnh lãnh đạo ban ngành. Y tế cũng không nằm ngoài thông lệ này hàng năm.
Tuy nhiên, thiếu các thông tin khách quan về ngành Y tế có thể dẫn đến việc châm biếm sai lầm.
“Thất bại điều trị” chắc chắn là một điều không nên châm biếm, bởi nó giống như một sự bất khả kháng mà bản thân ngành Y tế cảm thấy đau lòng và suy nghĩ về giải pháp khắc phục trong tương lai. Ví dụ như những ca sản phụ tử vong do thuyên tắc mạch ối, một tai biến hiếm gặp trong sản khoa nhưng đã gặp là tỷ lệ tử vong rất cao. Dù có châm biếm thì cũng chỉ giống như cười trên những nỗi đau mà thôi.
Y tế Việt Nam với mức đầu tư ngân sách rất thấp như hiện nay thì không thể đòi hỏi một sớm một chiều chuẩn hóa chất lượng chuyên môn và cập nhật thường xuyên một cách toàn diện ở rộng khắp hệ thống bao gồm từ tuyến xã phường lên tuyến trung ương được.
Hơn nữa với tốc độ phát triển Y khoa mạnh mẽ hàng ngày hàng giờ trên thế giới thì e rằng sẽ ngày càng có một khoảng cách chuyên môn lớn giữa tuyến dưới và tuyến trung ương. Sự thiếu cập nhật kiến thức chuyên môn ở tuyến dưới do vậy là vấn đề khó có thể giải quyết nhanh được và dù có châm biếm cũng không để làm gì.
Tương tự như vậy, quá tải tuyến trên có thể dẫn đến những sai sót chuyên môn và điều này dường như là hậu quả tất yếu của sự chênh lệch trình độ chuyên môn giữa các tuyến đang diễn ra, dẫn đến việc niềm tin của người dân dần đặt vào tuyến trung ương thay vì đi khám ở tuyến cơ sở. Ở đây, mặc dù kiến thức và trách nhiệm, tâm huyết và sự tận tụy là có thừa thì e rằng khó có thể đảm bảo 100% là không xảy ra sai sót chuyên môn.
Tuy nhiên, những sai sót chuyên môn do chủ quan và do chuộc lợi thì cần phải lên án mạnh mẽ. Và đó chính là mục tiêu nên hướng tới để châm biếm với mục đích đả kích. Nếu chỉ riêng nội bộ ngành Y tế thì sẽ không bao giờ bới ra được hết những con sâu đang lẩn trốn sau lớp vỏ bọc để gặm nhấm một cách âm thầm danh dự và giá trị ngành Y. Hơn lúc nào hết, Y tế Việt Nam rất cần những tiếng nói khách quan để hoàn thiện mình hơn.
Đừng đem cái chết để mua nụ cười
Trong mỗi sự việc đều có những khía cạnh nên và không nên châm biếm. Đằng sau những sai sót chuyên môn do sự chủ quan hoặc do chuộc lợi rất có thể là cái chết của một con người. Do vậy nên chăng khi châm biếm những sai sót này, chúng ta phải tránh gợi lại những nỗi đau của sự mất mát.
Châm biếm để đạt được mục đích đả kích và góp phần báo động cho các nhà quản lý là một động cơ tốt đẹp, song không vì thế mà quên đi những hậu quả có thể đến với một vài người trong câu chuyện. Đó mới là một sự châm biếm mang tính nhân văn. Hi vọng chương trình Táo quân đừng đem cái chết của một người để mua những nụ cười của người xem.
Nguồn: Lê Tuấn/ Sức khoẻ Đời sống