Hải quan Cao Bằng quyết liệt chống thất thu, ngăn chặn gian lận thương mại
Trao đổi với PV Infonet, Ông Lê Viết Phong, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Cao Bằng cho biết: “Cao Bằng có đường biên giới với Trung Quốc dài nhất trong các tỉnh biên giới phía Bắc (khoảng 330 km) với nhiều cửa khẩu, lối mở, điểm thông quan nằm trong khu kinh tế cửa khẩu, nhưng công tác quản lý Nhà nước về hải quan trên địa bàn khá đơn thuần.
Điều này xuất phát từ thực tế khách quan là đường sá giao thông chưa thuận tiện, các khu vực cửa khẩu cả phía Việt Nam và Trung Quốc đều chưa phát triển. Nhưng vượt lên trên mọi khó khăn, Cục Hải quan Cao Bằng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Theo Phó Cục trưởng Lê Viết Phong, loại hình xuất nhập khẩu hàng hoá mở tờ khai tại các cửa khẩu Cao Bằng không nhiều, chủ yếu là loại hình xuất nhập khẩu kinh doanh, tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan, phát sinh không đều, trong đó giá trị kim ngạch của mặt hàng có thuế còn hạn chế, chỉ chiếm 13,1%. Mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu là chì thỏi, hạt điều, cao su, hải sản, vải, than cốc, máy móc thiết bị…
Thuận lợi lớn nhất của đơn vị là nhận được sự quan tâm của các cấp, sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị có liên quan từ trung ương đến địa phương. Nhưng Hải quan Cao Bằng còn gặp phải nhiều khó khăn như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tại các cửa khẩu không ổn định cả về số lượng, chủng loại... Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu theo tháng, theo quý của đơn vị có lúc không sát với kế hoạch.
Lực lượng Hải quan cửa khẩu Tà Lùng đang làm nhiệm vụ. |
Bên cạnh đó, điều kiện về kết cấu hạ tầng tại một số cửa khẩu còn thiếu hoặc đã xuống cấp. Trong giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu, phía doanh nghiệp Việt Nam chưa có được lợi thế chủ động, thường bị thay đổi nhiều về địa điểm, thời gian theo yêu cầu phía doanh nghiệp Trung Quốc, làm phát sinh thủ tục, chi phí vận chuyển, dẫn đến hạn chế cạnh tranh trong kinh doanh.
Nhưng đơn vị cũng triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu, tăng cường thu thập thông tin, xác định mặt hàng trọng điểm, có nguy cơ rủi ro cao để áp dụng các biện pháp kiểm tra phù hợp, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại...
Các đơn vị cũng tuân thủ đầy đủ quy định hiện hành trong kiểm tra, giám sát và thông quan hàng hoá. Các địa điểm kiểm tra, tập kết hàng hoá, kho ngoại quan được quản lý theo quy định hiện hành và luôn tăng cường biện pháp nghiệp vụ để quản lý các lối mở, điểm thông quan để phòng, chống vi phạm và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
Trong những tháng đầu năm 2018, có 120 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan tại Cao Bằng, giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Số thu ngân sách của Hải quan Cao Bằng giảm do bước sang năm 2018, các dự án thủy điện trên địa bàn đã cơ bản hoàn thành, trong khi chưa có dự án mới phát sinh trong khi nguồn thu chủ yếu tại Hải quan Cao Bằng đến từ máy móc thiết bị nhập khẩu.
Ông Nông Phi Quảng trao đổi với PV Infonet. |
Còn ông Nông Phi Quảng, Chi cục trưởng- Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng cho biết, số thu thuế XNK của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng thường chiếm trên 60% số thu ngân sách của Hải quan tỉnh. Trong năm, đơn vị đã có nhiều giải pháp hợp lý trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh XNK qua cửa khẩu.
Trong khi đó, ông Mã Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Trà Lĩnh, Cao Bằng khẳng định, số thu thuế XNK của đơn vị chiếm khoảng 17% số thu ngân sách toàn Cục. Ngay từ đầu năm, Chi cục đã bám sát chương trình, kế hoạch của Cục Hải quan Cao Bằng, từ đó xây dựng chương trình công tác sát với tình hình thực tế đơn vị và địa phương, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên liên quan đến lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước về Hải quan, đồng thời tích cực thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế, thu hồi nợ thuế, quản lý chặt chẽ hàng hóa XNK, phương tiện và người xuất nhập cảnh.
Trong công tác chống buôn lậu, lãnh đạo Cục Hải quan Cao Bằng nhận định, từ đầu năm đến nay, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới diễn ra nhỏ lẻ, không trở thành điểm nóng.
Mặt hàng vi phạm chủ yếu là hàng hoá tiêu dùng thông thường, có thể tiêu thụ tại các điểm chợ biên giới, chợ huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tình hình mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý tiếp tục có những diễn biến phức tạp, chủ yếu vận chuyển từ các tỉnh Tây Bắc đến Cao Bằng để chuyển qua biên giới Trung Quốc tiêu thụ.
Các đơn vị hải quan Cao Bằng luôn phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trên địa bàn, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK nhưng vẫn kiểm soát tốt hàng hoá XNK, ngăn chặn kịp thời các vi phạm
Lực lượng Hải quan Cao Bằng đã phối hợp tốt với lực lượng bộ đội Biên Phòng cửa khẩu trong trao đổi thông tin, tuần tra và đấu tranh ngăn chặn các vi phạm, trao đổi phối hợp với lực lượng Công an các cấp để đấu tranh theo chuyên án, đường dây hoặc các đối tượng đã vận chuyển hàng hoá đi sâu vào nội địa.
Hải quan Cao Bằng cũng rất tích cực phối hợp với chính quyền xóm, xã biên giới để tuyên truyền, giác ngộ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về hải quan cho các cư dân thường xuyên qua lại biên giới mua bán, trao đổi hàng hoá.
Nhờ triển khai làm tốt nhiều giải pháp đồng bộ nên dù số thu có giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017 nhưng kết quả thu ngân sách tại Hải quan Cao Bằng vẫn đạt khá so với chỉ tiêu được giao. Các mặt công tác khác đều đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ.