Hải Phòng: Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiệu quả phòng, chống tệ nạn xã hội
Trong những năm qua, các cấp, các ngành Thành phố Hải Phòng đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú. Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, hiểu biết pháp luật cho người dân về tệ nạn xã hội.
Tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho thanh, thiếu niên. (Ảnh minh họa) |
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng đã thường xuyên chỉ đạo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Phòng Lao động–thương binh và Xã hội các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống các tệ nạn xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố.
Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho gần 1000 đại biểu là cán bộ văn hóa xã hội tại 15 quận, huyện; 223 xã, phường, thị trấn; 11 Đội công tác xã hội tình nguyện... Tổ chức 2 buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật triển khai mô hình "Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm tự lực giúp đỡ người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới" và mô hình "Cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng" tại quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) cho 70 lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.
Thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về; thực hiện Đề án "Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020" trên địa bàn TP Hải Phòng. Ngoài ra, phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Đồ Sơn và huyện Cát Hải tổ chức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm cho thành viên Đội kiểm tra liên ngành 178 quận, huyện, cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các xã, thị trấn, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm tại quận Đồ Sơn và huyện Cát Hải. Chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành 178 thành phố tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ không để hoạt động mại dâm, môi giới mại dâm công khai trên địa bàn. Tăng cường viết tin bài, đăng tải văn bản quy phạm pháp luật và các thông tin, hình ảnh, hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội trên website của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.
Trong năm 2019, Đoàn kiểm tra 178 thành phố Hải Phòng và Đội kiểm tra 178 quận, huyện đã kiểm tra hàng nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke... Qua kiểm tra Đoàn Kiểm tra liên ngành 178 thành phố đã lập biên bản chuyển thanh tra chuyên ngành xử phạt 7 cơ sở vi phạm hành chính về lao động với số tiền 15 triệu đồng; chấn chỉnh nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm các quy định trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn mại dâm, tăng cường quản lý, không để tệ nạn mại dâm xảy ra tại cơ sở quản lý.
Nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống mại dâm tới các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm. Theo đó, thành phố xác định mục tiêu phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn được tuyên truyền thường xuyên về phòng ngừa mại dâm bằng nhiều hình thức và được duy trì thường xuyên; 100% cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được tập huấn nhằm nâng cao năng lực trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; xây dựng và triển khai các mô hình hỗ trợ can thiệp, giảm hại trong phòng, chống mại dâm nhằm bảo vệ quyền con người; phát hiện, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tổ chức các hoạt động mại dâm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.
Để hiện các mục tiêu trên, UBND TP giao nhiệm vụ các Sở, ngành, UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tệ nạn mại dâm trong các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân. Ngăn chặn và xử lý việc lợi dụng kinh doanh hoạt động văn hóa để tổ chức hành vi khiêu dâm, kích dục, mại dâm. Tuyên truyền, giáo dục giới tính, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, truyền thống văn hóa cho học sinh, sinh viên. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ, giảm hại trong phòng, chống mại dâm; xây dựng các mô hình giảm hại trong phòng, chống mại dâm nhằm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại cộng đồng, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.