Hai nữ sinh thiệt mạng vì săn ảnh đăng facebook
Hai nữ sinh may mắn sống sót vẫn sống trong sợ hãi và ám ảnh vì bất lực nhìn bạn chìm dần trong dòng nước.
“Sợi dây người”
Từ UBND xã Tân Hưng, chúng tôi đi hơn 15km đến khu vực tìm kiếm nạn nhân ở ấp Sóc Ruộng. Cách chúng tôi khoảng 20m, hàng trăm người đột ngột lao về phía bụi tre rậm rạp. Anh dân quân dẫn đường cho chúng tôi dừng xe ngay. Vạch những dây leo chằng chịt, từ trên cao nhìn xuống dòng sông Bé, một thi thể nhỏ bé nằm úp nổi trên mặt nước. 2 chiếc ghe đang tiến lại gần, đưa nạn nhân vào bờ.
Khúc sông này không có lối sẵn lên bờ. Nhiều người dùng gậy, dao chặt những cành tre, nứa, phát những đám dây leo, lau sậy dọn tạm một con đường dẫn xuống sông. Dốc dựng ngược, đất đỏ bở rời khiến những người leo xuống trượt ngã. Khoảng 30 thanh niên dang rộng 2 tay nắm chặt vào nhau, tạo thành “sợi dây người” nối từ đỉnh dốc xuống tận mép nước. Những người trục vớt vịn vào “sợi dây người” mang thi thể lên bờ. Nạn nhân tìm thấy lúc 15 giờ ngày 23-4-2014 là nữ sinh Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2000, trú tổ 1, ấp Sở Xiêm, xã Tân Hưng), nạn nhân thứ hai trong vụ tai nạn thương tâm xảy ra chiều ngày 22-4. Trước đó, lúc 5 giờ 30 phút sáng 23-4, người thân đã tìm thấy xác cháu Phan Ngọc Bích Đào (sinh năm 2002, trú tổ 2, ấp Sóc Ruộng, xã Tân Hưng).
Áo quần ướt sũng, anh Nguyễn Văn Sỹ (tổ 1, ấp Sở Xiêm, xã Tân Hưng) đi cà nhắc với đôi chân trần sau khi mang được xác cháu Lan Anh lên xe. Anh Sỹ kể: Ai biết bơi, lặn đều tham gia tìm kiếm các cháu. Tôi đến đây từ 5 giờ sáng. Cháu vừa nổi lên mặt nước, nghe những người từ trên cao la lên, chúng tôi bơi đến. Vị trí tìm thấy cháu Lan Anh cách chỗ các cháu gặp nạn khoảng 250m.
Anh Hồ Đức Thành (ấp Sóc Ruộng, xã Tân Hưng) cho biết: Từ lúc biết các cháu gặp nạn, chúng tôi không ngừng tìm kiếm. 3 giờ sáng, nước bắt đầu rút, chúng tôi tiếp tục lặn tìm. Khoảng 5 giờ 30 phút sáng 23-4 mới tìm vớt được cháu Đào lên.
Lời nói đùa thành sự thật kinh hoàng
Chúng tôi tìm về ấp Sóc Quả, Mẫn giọng run run: Trưa 22-4, sau khi tan học, mẹ bạn Đào đến trường chở em cùng Lan Anh, còn Đào và Nhung chạy xe đạp điện. Chơi thân đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên các em về nhà Đào. Vừa ăn cơm trưa xong, cả bốn học sinh xin phép mẹ của Đào đến thác chụp hình kỷ niệm bằng điện thoại. Các em đi bộ tắt qua vườn của những hộ dân khoảng hơn nửa tiếng thì đến Thác Đâm.
Trước khi đi, mẹ của Đào dặn đi dặn lại: “Các con chơi ở bãi đá phía trên, không được lội xuống sông”. Tuy nhiên, khi đến thác nước, các em để ngoài tai những lời dặn dò của người lớn. Khúc sông này đầu mùa mưa mực nước cao 2-4m và chảy xiết, tạo nên phong cảnh rất đẹp. Mẫn kể lại: đến nơi, 4 em thay phiên nhau chụp ảnh bằng điện thoại của Đào và Nhung. Lan Anh và Mẫn leo lên cây sung có bộ rễ buông xuống nước, ngồi trên cây chụp ảnh. Nhung và Đào chơi chỗ nước cạn giữa những tảng đá. Tự nhiên Nhung và Đào la lên: “Cứu! cứu mình với!”. Mẫn nhìn lại thấy đầu gối của hai bạn còn chưa ngập nước, biết các bạn chỉ ngồi xuống để dọa mình. Mẫn nói: “Xạo!” và cùng Lan Anh xuống nước chơi.
Tim thấy thi thể Lan Anh cách nơi gặp nạn 250m |
Tát nước, bốc sình, lấy đất ném nhau một hồi cũng chán. Các nữ sinh lấy cành cây cắm ở hốc đất, thăm dò nước rút sẽ xuống chơi.
Một lúc sau, Đào trượt chân, Lan Anh nắm được tay bạn nhưng không may cũng trượt chân ngã xuống sông, cả hai bị nước cuốn trôi. 2 học sinh la lớn: “Cứu! cứu!”. Lúc này Mẫn biết các bạn không nói đùa như ban nãy. Cô bé cố hết sức chạy trên những tảng đá trên bờ, dọc theo dòng nước đang cuốn bạn mình trôi xa, còn Nhung luôn miệng la to: “Cứu bạn tôi với, có ai không?”. Chạy khoảng 10m, Mẫn nhặt được 1 cành cây khô, chìa ra cho các bạn, nhưng cành cây không đủ dài để đến tay các bạn. Lan Anh và Đào chấp chới, chỉ còn thấy 2 tay giơ lên rồi chìm trong dòng nước.
Trong cơn hoảng loạn, Nhung và Mẫn không nghĩ được đến việc gọi điện thoại mà cắm đầu cắm cổ chạy tìm người lớn. Các em gặp 3 thanh niên trong sóc đang đi xe máy liền gọi nhờ cứu bạn. Có lẽ quá quen với trò đùa kiểu này của những em nhỏ, nhóm thanh niên nói: “Tụi bây xạo” rồi chạy thẳng. Bố của Đào nghe tiếng kêu chạy đến, ông cùng nhiều người chở theo Mẫn tìm đến khúc sông các em gặp nạn, nhưng không tìm thấy Đào và Lan Anh.
Nỗi đau của cha mẹ
Tiếng khóc than ai oán vẳng ra từ ngôi nhà được làm bằng gỗ tạm khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Chị Lê Thị Ngọc Diệu, mẹ của Đào không ngừng thổn thức. Tai họa liên tiếp ập đến gia đình chị Diệu. Hai năm trước, chồng chị bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Di chứng để lại là sự ngờ nghệch, lúc bình thường lúc như người điên quậy phá. Mọi gánh nặng dồn hết trên đôi vai chị, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào điều.
Chị Diệu nghẹn ngào: “Mẹ tôi ở Vũng Tàu đang bệnh nặng. Tôi và Đào xuống thăm mới về Bình Phước cách đây 2 ngày. Nay xảy ra cớ sự tôi chưa dám báo tin vì sợ bà không chịu đựng nổi. Nhà cách xa trường học hơn 15km, nhưng ngày nào tôi cũng đều đặn đưa đón con đi học. Đào rất ngoan, tiền dành dụm con không tiêu xài mà để dành mua nước ngọt cho bố. Vậy mà nay không nghe lời mẹ, để xảy ra nông nỗi”.
Nhà Lan Anh cách nhà Đào hơn 11km. Gần 17 giờ chiều ngày 23-4, họ hàng, làng xóm đến phụ giúp rất đông. Bố Lan Anh nghẹn ngào kể: “Cháu rất tự giác học, 5 năm liền ở bậc tiểu học đều là học sinh giỏi, học kỳ 1 vừa rồi cháu đạt học sinh tiên tiến. Cháu còn thường xuyên kèm những bạn học kém hơn và tranh thủ phụ việc nhà. Gặp chuyện không may nhưng tôi rất tự hào về con, vì con đã dũng cảm cứu bạn”.
Gia đình Lan Anh đã nhờ người mua một phần đất ở nghĩa trang gần nhà. Hai người mẹ đau khổ gặp nhau nơi tìm kiếm xác con, quyết định đổi phần đất sẽ chôn Lan Anh về cạnh bên Đào ở Nghĩa trang nhân dân xã Tân Hưng, để hai người bạn thân được ở bên nhau.