Hãi hùng những “bẫy tử thần” tại các công trình đang thi công
Nhiều tháng nay, Hà Nội dường như bị biến thành “đại công trường” khi mà hàng loạt tuyến phố như Hoàng Cầu, Xuân Thủy, Nguyễn Trãi... trở thành những điểm xây dựng khổng lồ. Tại những tuyến phố này, các nhà thầu, đơn vị thi công đua nhau rào đường để thi công tuyến đường sắt trên cao như tuyến Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – Ga Hà Nội...
Tại các điểm xây dựng nhà ga của dự án, bằng mắt thường chúng ta cũng có thể thấy được hiểm họa có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Nhà ga thi công trên không và những giàn giáo vắt ngang sang những cung đường có mật độ giao thông dày đặc của Thủ đô. Tuy nhiên, phía dưới khu vực thi công chỉ là những tấm lưới mỏng manh để che đỡ các vật liệu thi công rơi vãi. Trong khi đó, công trường trên cao là những đống bê tông nặng tới nửa tấn một khối hay những thanh thép lớn đang được tập kết chuẩn bị cho việc xây dựng.
Hàng loạt tai nạn từ các công trường xây dựng đã khiến không ít người lao động và người tham gia giao thông phải chịu “tai bay vạ gió”. Vấn đề này không phải là chuyện mới, thế nhưng thực trạng đau lòng này vẫn còn tồn tại và gây hoang mang cho người dân.
Che chắn sơ sài tại công trình dự án đường sắt trên cao |
Khối bê tông khổng lồ được các nhà thầu xếp trên Quốc lộ 32 khiến người dân “lạnh gáy” mỗi khi lưu thông qua đây |
Tại không ít điểm rào chắn thi công, cần cẩu chĩa thẳng sang phía người đi đường. |
Giàn giáo ngay trên đầu người đi đường |
Nguy hiểm trực chờ người dân khi đi qua khu vực công trường xây dựng |
Những hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào |
Việc thi công tuyến đường sắt trên cao được triển khai nhiều khu vực giao thông quan trọng trên địa bàn thành phố như tuyến phố Hoàng Cầu, Nguyễn Trãi, Quốc lộ 32...Tuy nhiên những sự cố mất an toàn có thể đến mọi lúc mọi nơi nếu như những “bẫy chết người” còn tồn tại và rình rập trên đầu người dân Thủ đô mỗi ngày.
Nguyên nhân để xảy ra các vụ tai nạn lao động, bên cạnh công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, theo ý kiến của một số nhà quản lý còn có một nguyên nhân nữa là chế tài xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm về an toàn lao động hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức cảnh cáo, răn đe. Các mức xử phạt chủ yếu là phạt tiền, không có tác dụng phòng ngừa hữu hiệu, dẫn đến việc coi thường tính mạng của người lao động và của người dân.
Ngoài ra, công tác hậu thanh tra xử lý chưa phát huy tác dụng triệt để khiến cho các đơn vị doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện những chấn chỉnh vi phạm này.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện khẩn trương chấn chỉnh việc đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường tại công trường thi công. Trong đó, nhấn mạnh các cơ quan chức năng và các chủ đầu tư có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công; khi thi công công trình phải có đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, rào chắn... theo quy định; cử người gác thường xuyên, chỉ cho phép người có trách nhiệm vào khu vực thi công, thi công theo đúng giấy phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả do nguyên nhân thi công gây ra.
Với biện pháp trước mắt này, hy vọng trong thời gian tới sẽ giúp giảm thiểu và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm các quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động ở những nơi đông người, đặc biệt là nơi tiếp giáp khu vực đông dân cư, những công trình trên các tuyến đường giao thông công cộng đông người.