Hải Dương: Ứng dụng công nghệ mới để xây dựng nông thôn mới
Sự coi trọng ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ cao trong quản lý, sản xuất nông nghiệp đã góp phần giúp Hải Dương có nhiều bước phát triển vượt bậc trên hành trình xây dựng nông thôn mới.
Dấu ấn của hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Trong suốt giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Hải Dương rất quan tâm tới hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý, sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường.
Thống kê mới đây cho thấy, năm 2020, toàn tỉnh đã có 28 hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chủ yếu trong kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản và công nghệ tự động hóa, cụ thể là: Các HTX trồng trọt ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt trong canh tác; Các HTX thủy sản ứng dụng công nghệ cao trong kỹ thuật nuôi trồng trồng thủy sản:nuôi cá “tạo sông trong ao”; mô hình nuôi cá bằng hệ thống bể nổi theo công nghệ BIO FLOC; HTX chăn nuôi ứng dụng công nghệ bán tự động trong chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp.
Một trong những gương điển hình có thể kể đến là HTX Sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt ở huyện Gia Lộc. Nhờ áp dụng mô hình nuôi cá công nghệ cao Israel “tạo sông trong ao”, 25 thành viên của HTX đã cùng hợp tác nuôi thủy sản với tổng diện tích ao nuôi là 12ha, sản lượng bình quân của đạt 91,8 tấn/năm, doanh thu đạt hơn 29 tỷ đồng/năm.
Hoặc HTX Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt áp dụng mô hình nhà màng, nhà lưới. HTX có 168 thành viên là đại diện hộ nông dân cùng tham gia hợp tác trồng rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trong vùng quy hoạch tổng diện tích là 27 ha. HTX này đã liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị lớn như hệ thống siêu thị BigC, Vinmart để tiêu thụ sản phẩm của các thành viên. Ước tính HTX đã sản xuất và tiêu thụ được hơn 2.000 tấn nông sản, doanh thu trên 15 tỷ đồng/năm.
Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính ở huyện Cẩm Giàng với 1.370 thành viên đã phát triển hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 425 ha, doanh thu bình quân đạt 4,5 tỷ đồng/năm. Sản phẩm liên kết tiêu thụ chủ yếu là cà rốt và dưa các loại.
Ngoài ra còn có HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Quận ở xã Thượng Quận, thị xã Kinh Môn, đã hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu lớn với đa dạng các loại nông sản như hành, tỏi, sắn dây, chuối và bí xanh…; HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Tiến ở xã Kim Tân, huyện Kim Thành, có vùng sản xuất tập trung lớn với sản phẩm chủ lực là cây củ đậu, đã được xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2020; HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ, ở xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, có khả năng tiêu thụ các mặt hàng nông sản (ổi, các loại rau, củ sạch...) với số lượng lớn và ổn định vào hệ thống siêu thị Vinmart, BigC…; HTX Dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang đã tích cực áp dụng công nghệ cao và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như máy cấy, máy gặt, máy phun thuốc bảo vệ thực vật...
Hiện toàn tỉnh có 25 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và 1 nhãn hiệu được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý (vải thiều Thanh Hà), 25 sản phẩm cấp mã QR code.
Có thể nói, các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đang tạo ra xu hướng phát triển mới cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
UBND tỉnh Hải Dương vừa đề nghị Trung ương xem xét, quyết định công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2021. Ảnh: Bình Minh |
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Nhìn nhận một cách tổng quan, tại tỉnh Hải Dương, sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đã được quan tâm đầu tư khá nhiều. :
Hiện, toàn tỉnh có khoảng 28 ha nhà màng, nhà lưới kết hợp hệ thống giám sát, tưới nước và bón phân tự động. Mô hình này ngày càng được nhân rộng, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất đạt khoảng 1-3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận trung bình đạt 550 triệu đồng/ha/năm.
Cũng trên phạm vi toàn tỉnh đã có khoảng 540 ha rau màu chuyên canh ứng dụng hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả kinh tế thêm 10 - 30%; trên 15.500 ha rau sản xuất theo quy trình GAP, trên 5.000 ha rau được sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu; 1.500 ha rau, trái cây được cấp chứng nhận theo quy trình VietGAP. Nhiều sản phẩm như: vải, cà rốt, cải bắp... có chất lượng cao, đủ điều kiện để xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, ASEAN...
Cơ giới hóa trong sản xuất được đẩy mạnh và thực hiện ở hầu hết các khâu. Năm 2020, tỷ lệ làm đất bằng máy đạt trên 98%; gặt máy trên 90%, cấy máy đạt 8,05% góp phần giảm chi phí trong sản xuất.
Những kết quả đạt được nhờ sự coi trọng ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ cao trong quản lý, sản xuất nông nghiệp đã góp phần giúp Hải Dương có nhiều bước phát triển vượt bậc trên hành trình xây dựng nông thôn mới.
Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2020 gấp 1,6 lần năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 69,8 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 90,3%, nông nghiệp chiếm 9,7 % GRDP).
Đến nay, 178/178 xã (100%) của tỉnh Hải Dương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 12/12 huyện, thị xã, thành phố (100%) đạt chuẩn /hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Và mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2021.
Bình Minh