Hà Tĩnh: Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo phương châm "3 đồng"
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp của UBND Tĩnh Hà Tĩnh, trong đó đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống hạn hán, xâm thực mặn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, liên kết chuổi giá trị gắn với xây dựng Nông thôn mới.
UBND Huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức lễ phát động phá bờ thữa nhỏ, xây dựng cánh đồng sản xuất lớn, nhằm đáp ứng phương châm “3 đồng”: đồng nhất giống, đồng nhất công nghệ, đồng nhất sản phẩm khối lượng lớn.
Lãnh đạo và nhân dân Cẩm Bình nô nức ra đồng phá bờ thửa nhỏ |
Lễ phát động sẽ triển khai thực hiện trên địa bàn 26 xã, thị trấn từ ngày 22/11 đến 22/12 /2018, nhằm phát huy tối đa cơ giới hoá nông nghiệp từ khâu làm đất đến thu hoạch trên 100% diện tích gieo trồng. Đáp ứng công tác thâm canh, giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Tất cả các xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đều đồng loạt ra quân phá bờ thửa nhỏ thành bờ thửa lớn; tiến hành bón vôi và cày lật đất trên tất cả diện tích; tận dụng phân chuồng, phân xanh để cải tạo đất.
Đồng thời đẩy mạnh ra quân làm giao thông thuỷ lợi, đắp bờ vùng bờ thửa để giữ nước tại chân ruộng. Trục tiêu, nạo vét 100% các tuyến kênh mương thuỷ lợi nội đồng nhằm chủ động cho sản xuất nông nghiệp năm 2018.
Chủ trương phá bờ thửa nhỏ được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình |
Trao đổi với PV Infonet, ông Trần Hữu Duyệt, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Chủ trương này được thí điểm tại xã Cẩm Thành trong vụ Xuân năm 2016. Hiện tại, Cẩm Thành đã có các vùng sản xuất lớn trên 70ha. Theo tính toán của ngành chuyên môn thì phong trào này đưa lại giá trị kinh tế cao hơn, tăng 25% trên ha”.
Cũng theo ông Duyệt, chủ trương này phát huy tối đa việc cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Vì thế, đợt này sẽ triển khai đồng loạt trên 26 xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp. Mỗi xã phải xây dựng được một vùng có diện tích tối thiểu là 50ha. Riêng xã Cẩm Bình sẽ triển khai trên tất cả các thôn với khoảng 300ha.