Hà Tĩnh quyết tâm không để “lỡ chuyến tàu” chuyển đổi số nông nghiệp
Hà Tĩnh xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Nhận thức được điều này nên ngay sau khi Trung ương có chủ trương về chuyển đổi số, Hà Tĩnh xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Từ thực tế đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Văn phòng Điều phối nông thôn mới xây dựng Kế hoạch chung để thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Chương trình OCOP, với mục tiêu xây dựng chiến lược chuyển đổi số đồng bộ từ công tác quản lý nhà nước; phát triển kinh tế số, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, minh bạch dữ liệu… giúp hiện đại hoá công tác quản trị, tăng doanh thu bền vững, giảm giá thành sản xuất và nâng cao năng suất.
Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh đã được tích hợp trên hệ thống dlsntm.vn để dễ dàng kết nối cung cầu. Ảnh: Thảo Thu |
Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh quyết tâm không để “lỡ chuyến tàu” chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Hiện Dự thảo kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và cương trình OCOP mà Hà Tĩnh xây dựng đang trong giai đoạn gửi xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương.
Thông tin từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh tại Hội thảo tham vấn về dự thảo đề án “Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, cho biết: Trong thời gian vừa qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã chủ động triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong các hoạt động chỉ đạo, điều hành, công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và hỗ trợ phát triển sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh và bước đầu có nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề bước đầu cho việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp và Chương trình OCOP.
Về Chương trình OCOP, tỉnh đã đưa vào vận hành hệ thống quản trị Chương trình; hệ thống chấm điểm, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; quản lý các sản phẩm OCOP và kênh thông tin thương mại sản phẩm OCOP Hà Tĩnh được tích hợp trên website https://dlsntm.vn/.
Trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Chương trình OCOP, tỉnh Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu về phát triển chính quyền số: Chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, chất lượng cung cấp dịch vụ công của ngành nông nghiệp; góp phần đưa Hà Tĩnh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước về chỉ số phát triển Chính quyền số.
Về phát triển kinh tế số, tỉnh tập trung hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế Nông nghiệp và Chương trình OCOP; phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trong Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt tối thiểu 10%, trong Chương trình OCOP đạt 30%; góp phần đưa Hà Tĩnh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước về CNTT.
Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chuyển đổi số, tỉnh đã xác định nhiệm vụ trong chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế, tổ chức bộ máy; Phát triển hạ tầng số; Phát triển cơ sở dữ liệu số; Phát triển nhân lực chuyển đổi số; Đẩy mạnh phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp và Chương trình OCOP.
Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ số trong tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị, quản lý điều hành của các chủ thể sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp để làm vai trò cầu nối, dẫn dắt nông dân trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm... Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp.
Song song với việc xây dựng kế hoạch, hiện nay Hà Tĩnh đã triển khai một số mô hình ứng dụng công nghệ số làm điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng như lĩnh vực nông nghiệp đã triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc cho cây ăn quả có múi.
Trong Chương trình OCOP, Hà Tĩnh, đang xây dựng phần mềm chung cho Chương trình với mục tiêu số hoá toàn diện từ công tác quản lý nhà nước, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm… và đã lựa chọn 20 cơ sở làm điểm chuyển đổi số.
Thảo Thu