Hà Tĩnh: Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Can Lộc
Khu dân cư kiểu ,ẫu thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc |
Thứ Bảy là ngày xây dựng nông thôn mới
Xác định Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là cơ hội để phát triển, làm thay đổi diện mạo nông thôn, nên Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng nông thôn mới huyện thường xuyên được kiện toàn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tế. Bên cạnh đó, BCĐ phân công nhiệm vụ cho Thường trực, Thường vụ huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện và Trưởng, phó các phòng, ban, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước BCĐ về kết quả thực hiện tại các xã.
Đặc biệt, huyện lấy ngày thứ Bảy là ngày xây dựng nông thôn mới để huy động cả hệ thống chính trị cùng với người dân vào cuộc chung sức xây dựng nông thôn mới. Định kỳ mỗi tháng 1 lần, Thường trực Ban chỉ đạo, lãnh đạo UBND huyện trực tiếp về từng xã để kiểm tra, kịp thời giúp các địa phương tháo gỡ, giải quyết những khó khăn vướng mắc.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", huyện Can Lộc đã huy động tốt nguồn lực xã hội hóa với hàng tỷ đồng tiền mặt, hàng vạn ngày công, hiến hàng trăm ngàn m2 đất, cây cối, tường rào để xây dựng công trình nông thôn mới.
Nhìn lại 10 năm xây dựng, kết quả huy động các nguồn lực đạt 3.484,462 tỷ đồng. Trong số đó, vốn trực tiếp thực hiện Chương trình MTQG là 552,66 tỷ đồng (chiếm 15,9%); vốn lồng ghép các chương trình, dự án là 1.124,928 tỷ đồng (chiếm 32,3%); vốn tín dụng là 953,284 tỷ đồng (chiếm 27,3%); vốn doanh nghiệp là 27,477 tỷ đồng (chiếm 0,8%); vốn nhân dân đóng góp là 736,125 tỷ đồng (chiếm 21,1%); vốn huy động từ nguồn khác (đỡ đầu, tài trợ, kêu gọi con em xa quê) là 90,988 tỷ đồng (chiếm 2,6%).
Trước khi bước vào xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đạt 83 tiêu chí/22 xã (bình quân đạt 3,8 tiêu chí/xã); 11 xã dưới 5 tiêu chí; chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến cuối năm 2015, toàn huyện đạt 274 tiêu chí/22 xã, tăng 191 tiêu chí so với năm 2010 (bình quân đạt 12,5 tiêu chí/xã); có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Thiên Lộc, Khánh Lộc, Thanh Lộc, Quang Lộc, Tiến Lộc.
Cánh đồng rau bạt ngàn tại vùng ven chân núi Hồng Lĩnh |
Đến 30/8/2019, toàn huyện đạt 420 tiêu chí/21 xã, tăng 146 tiêu chí so với năm 2015, tăng 337 tiêu chí so với năm 2010); bình quân đạt 20 tiêu chí/xã; có 18 xã được trao bằng xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã Vĩnh Lộc, Song Lộc, Thuần Thiện được các sở, ngành thẩm định đạt 20/20 tiêu chí.
Có 21/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Như vậy, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Can Lộc đã thay da đổi thịt. Từ chỗ toàn huyện chỉ đạt 83 tiêu chí, trong đó 11 xã dưới 5 tiêu chí, đến nay đã đạt 20 tiêu chí/xã, có 21/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng Lộc đạt đô thị loại V, được công nhận thị trấn vào năm 2018.
Phát huy những tiềm năng lợi thế của địa phương, Can Lộc xây dựng vùng Trà Sơn thành khu vực sản xuất cây ăn quả có múi và chăn nuôi tập trung; vùng giữa để sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản; vùng ven chân núi Hồng Lĩnh để sản xuất rau, củ, quả, hoa màu các loại.
Giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng trên 15%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Đến nay tỷ trọng các ngành nông nghiệp chiếm (30,2%); Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng (34%); Thương mại, dịch vụ, du lịch (35,8%).
Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới đạt 3,82%, (tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới còn 2,74%); tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,56%.
Huyện có nhiều di tích lịch sử xếp hạng quốc gia như: Ngã ba Đồng Lộc, Chùa Hương Tích, Làng chiến tích K130, Tượng đài Xô viết Nghệ tĩnh. Ngoài ra có 2 di sản tư liệu ký ức thế giới, Khu vực châu Á Thái Bình Dương là “Mộc bản trường học Phúc Giang”, “Hoàng Hoa sứ trình đồ”.
Vườn rau sách của một hộ dân tại thôn Hồng Lĩnh |
Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Can Lộc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Việc kiến tạo một nông thôn mới đúng nghĩa đã làm thay đổi đời sống tại nhiều địa phương, những "khu dân cư kiểu mẫu", "vườn mẫu" của Can Lộc đã trở thành điểm đến của nhiều người bởi vẻ đẹp xanh, sạch, có kinh tế, văn minh, tạo nên sức sống mới, diện mạo mới cho huyện Can Lộc.