Hà Tĩnh: Cập nhật đồng bộ hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân
Hồ sơ sức khỏe cá nhân phải đảm bảo tính bảo mật |
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới Y tế cơ sở trong tình hình mới, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng và triển khai thực hiện việc lập hồ sơ sức khỏe cho người dân.
Theo ông Lê Ngọc Châu – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND ngày 16/5/2018 về việc bổ sung Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, thực hiện trên địa bàn Hà Tĩnh: Tỷ lệ người dân có hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử đạt: ≥ 85% (năm 2018); và ≥ 90% (năm 2019, 2020).
Để thực hiện hồ sơ sức khỏe cá nhân, ông Châu nhấn mạnh hồ sơ sức khỏe cá nhân phải đảm bảo tính bảo mật, cá nhân được cấp một mã định danh y tế duy nhất để xem thông tin về sức khỏe của mình. Phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân đảm bảo liên thông, đồng bộ, kết nối với các phần mềm khác từ hệ thống thông tin tiêm chủng, phần mềm khám chữa bệnh. Hồ sơ được tạo lập tối thiểu phải có thông tin hành chính, thông tin sức khỏe, các dấu hiệu sinh tồn, chỉ số nhân trắc học, tiền sử bệnh…
Để đạt được những mục tiêu trên, ông Châu cho biết đến nay Sở Y tế phối hợp Viettel tổ chức tập huấn, cài đặt phần mềm, hướng dẫn sử dụng thành thạo cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đồng thời thực hiện việc khám, lập hồ sơ sức khỏe cho người dân.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết thêm, đến nay Sở Y tế Hà Tĩnh cũng phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn cho cán bộ y tế và các cơ quan trên địa bàn về triển khai lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe cho người dân.
Trung tâm Y tế, y tế dự phòng tổ chức tập huấn cho Trạm Y tế và nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số thực hiện điều tra theo biểu mẫu hồ sơ sức khỏe của Quyết định 831/QĐ-BYT.
Ngoài ra, ngành y tế cũng tổ chức tập huấn, đào tạo về nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về Tăng huyết áp, Đái tháo đường... và nguyên lý y học gia đình cho 100% Trạm trưởng Trạm Y tế trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế phối hợp với các Trung tâm tổ chức tập huấn đánh giá chất lượng và liên thông hồ sơ sức khỏe cho tất cả các Trạm Y tế trên địa bàn.
Nhóm hồ sơ được thành lập theo từng đối tượng ví dụ như nhóm trẻ em dưới 6 tuổi, nhóm học sinh, nhóm sinh viên, nhóm hưu trí, nhóm công nhân viên chức, người lao động trong các nhà máy xí nghiệp. Nhờ đó, đến cuối tháng 10/1018, ông Châu cho biết toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 97 % hồ sơ được cập nhật lên phần mềm hồ sơ sức khỏe. Một số huyện tỷ lệ lập hồ sơ sức khỏe đạt 100 % như huyện Can Lộc, huyện Vũ Quang, huyện Lộc Hà, huyện Hương Sơn, huyện Cẩm Xuyên. Người dân đi khám các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đều được liên thông vào hồ sơ sức khỏe (ước tính 85 % hồ sơ được liên thông).
Để có kết quả trên, theo ông Châu kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện đó là có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy; UBND; HĐND các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã và đặc biệt là sự nổ lực của cán bộ toàn ngành y tế từ Sở Y tế đến Trạm Y tế xã và nhân viên y tế thôn bản.
Được biết kinh phí thực hiện Kế hoạch được trích từ ngân sách của tỉnh với chỉ gần 6.000 đồng/ 1 người dân.