Hà Nội: Trường chưa mở, nở rộ dịch vụ nhóm trông trẻ tại nhà, phụ huynh 'tặc lưỡi' để đi làm
Hà Nội vẫn chưa mở cửa trường học khiến nhiều gia đình gặp khó vì không có người ở nhà trông nom trẻ mầm non. Đây là lý do khiến dịch vụ trông giữ trẻ tại nhà rộn ràng trên các nhóm mạng xã hội.
Chị Hà Thị Thảo có con 2 tuổi học tại một trường mầm non ngay dưới tầng 1 của khu chung cư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Hiện tại thay vì mỗi sáng đưa con xuống trường thì chị lại phải gói gém đồ đạc đưa con sang gửi nhà cô giáo.
“Hà Nội nới lỏng giãn cách, nhiều cơ quan đã yêu cầu nhân viên đến làm việc trực tiếp nên điều vợ chồng tôi lo lắng nhất là việc ai trông con để đi làm. Mấy hôm đầu không tìm được người gửi con, cũng không nhờ được ông bà dưới quê lên nên tôi đành gửi con sang hàng xóm.
Thế nhưng, đó không phải biện pháp lâu dài vì không biết khi nào trường học mới mở cửa. Vậy nên tôi gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm lớp mầm non của con nhờ cô trông giúp. May là nhà cô cách nhà tôi khoảng 2km nên đưa đón cũng tiện.
Trông một bé thì tiền công của cô là 500 nghìn/ngày nên tôi đành phải tìm thêm gia đình có nhu cầu như mình để giảm bớt chi phí. Hiện tôi tìm được 5 học sinh nên mỗi em sẽ đóng 140 nghìn/ngày để cô trông giữ từ 7h sáng đến 7h tối, các con được ăn cơm như ở trường và được tham gia các hoạt động như ở trường”, chị Thảo nói.
Không ai trông con, phụ huynh tìm đến dịch vụ trông trẻ tại nhà (ảnh minh họa) |
Nhà có hai con (con lớn học lớp 3 và con bé hơn 2 tuổi), những ngày trường học “cửa đóng then cài” buộc vợ chồng anh Nguyễn Thái Hưng (quận Cầu Giấy) tìm đến những lớp trông trẻ tự phát.
"Gần nhà tôi có một lớp trông trẻ tự phát cũng do hai giáo viên mầm non kết hợp với nhau làm. Cô sẽ làm nhiệm vụ chăm sóc, cho bé ăn, chơi với con với tiền công 200 nghìn đồng/ buổi gồm cả ăn uống các bữa. Tôi chấp nhận mức đó miễn là con được an toàn và chơi vui cả ngày để vợ chồng tôi yên tâm làm việc.
Tất nhiên, cô trông ở nhà thì các con không thể có nhiều hoạt động như ở trường được, cô dạy được thêm tập tô màu hay hát thì mừng chứ tôi không kỳ vọng gì thêm. Với tình hình hiện nay thì có người trông con để đi làm là phương án tốt nhất rồi”, anh Hưng tâm sự.
Khi hỏi về sự an toàn trong công tác phòng dịch tại những lớp trẻ tự phát thì cả anh Hưng và chị Thảo đều chỉ biết mong “dịch bệnh trừ con mình ra”.
“Cô giáo nói nhà cô không ai từ vùng dịch đến, mọi người cũng tiêm đủ vắc xin nên tôi cũng tin cô. Hơn nữa, trong lớp có mấy bạn nhỏ cũng là con của những người quen.
Đôi khi tôi cũng lo lắng nhưng cũng đành tặc lưỡi cho qua vì thời điểm này thực sự cần người giúp để vợ chồng yên tâm đi làm”, chị Thảo nói.
Theo cô Lê Thị Loan - Học viện Quản lý giáo dục thì lớp trông giữ trẻ tự phát mọc lên xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh lẫn phía giáo viên. Quan trọng làm sao là phải giữ được sự an toàn cho các con nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, cùng với đó còn có an toàn về cháy nổ, nước nóng, các nguy cơ với trẻ em....
“Hiện nay, ở thành phố lớn, trường học đóng cửa khiến nhiều phụ huynh gặp khó trong vấn đề tìm cô giáo để gửi con trong khi phụ huynh vẫn phải đi làm.
Trường học đóng cửa đương nhiên các cô giáo mầm non cũng “thất nghiệp” bất đắc dĩ nên nếu phụ huynh tìm đến nhờ trông con thì cô giáo cũng có thêm thu nhập mà phụ huynh cũng được việc. Đó là nhu cầu của hai bên.
Tại Hà Nội hiện không còn giãn cách xã hội theo nguyên tắc ai ở đâu ở yên đó nhưng điều tôi băn khoăn nhất là những lớp trông trẻ tự phát kia có an toàn không?
Khi chăm trẻ tại nhà thì đảm bảo an toàn cháy nổ cũng rất quan trọng. Các vật dụng như gas, điện, cửa sổ... đều tiềm ẩn các nguy cơ với trẻ nên các cô cần hết sức chú ý”, cô Loan nói.
Địa phương thuộc nguy cơ thấp, trung bình có thể cho học sinh quay lại trường
Đó là thông báo của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Hoàng Thanh