'Hà Nội nên mở cửa hàng ăn uống, cho học sinh đi học lại'
Trao đổi với Infonet, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng hiện tại Hà Nội nên nới lỏng thêm, cho phép nhà hàng được đón khách, xe bus mở lại, trường học đón học sinh...
Theo chuyên gia, Hà Nội nên cho phép các quán ăn phục vụ tại chỗ nhưng phải đảm bảo nghiêm quy tắc 5K. |
Mở lại các loại hình giao thông, cho người dân di chuyển liên tỉnh
Từ ngày 9/10, Hà Nội không ghi nhận F0 trong cộng đồng. Thành phố cũng đang tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 để bao phủ mũi 2 cho người đã tiêm mũi một, tiêm vét cho những trường hợp chưa tiêm.
Đánh giá cao việc kiểm soát dịch ở Thủ đô, mặc dù vẫn còn nguy cơ, nhưng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Hà Nội nên mạnh dạn nới lỏng các hoạt động, ở đâu xuất hiện ca bệnh thì phong tỏa ngay nơi đó, theo phương châm nhỏ nhất, hạn chế phong tỏa rộng, ''để làm ăn kinh tế".
''Việc mở lại các hoạt động là cần thiết nhưng vẫn cần cân nhắc các hoạt động tập trung đông người'', ông Phu nói.
Theo quan điểm của vị chuyên gia này, trong cộng đồng không thể “sạch” F0, nguy cơ lây lan vẫn có thể xảy ra; khi chúng ta xác định sống chung thì cần phải thực hiện tốt việc phòng bệnh, có phương án an toàn, linh hoạt kiểm soát khi mở cửa trở lại.
Cụ thể, trong các hoạt động, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng, Hà Nội cần mở lại các loại hình giao thông, cho phép người dân được đi lại trong thành phố, liên tỉnh... nhưng có kiểm soát. Bởi khi hạn chế các phương tiện giao thông giữa các địa phương thì bản thân Thủ đô cũng bị đóng băng, sẽ ảnh hưởng nhiều vấn đề khác.
“Kể cả việc đi lại trong Thành phố cũng nên mở lại, xe bus có thể mở lại. Chúng ta không thể về ''Zero Covid-19'' mà xác định sống chung, có ổ nào khoanh ổ đấy. Thực hiện nhiều phương án, trong đó có 5K. Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm (có những ổ dịch không phát hiện được nguồn lây nhưng cũng không lây lan ra nhiều là nhờ 5K).
Khai báo y tế rất quan trọng, nếu phát hiện ca F0 sẽ truy vết được ngay, phong tỏa kịp thời. Khi chúng ta chấp nhận không thể ''Zero'' thì phải phát hiện được sớm để khoanh dập, chứ để ''tung toé'' sẽ rất khó, không kiểm soát được”, ông Phu nhấn mạnh.
Học sinh có thể quay lại trường
Ngoài vấn đề giao thông, ông Phu cho rằng các dịch vụ khác cũng có thể mở được như cho học sinh đi học trở lại.
“Khi người dân Hà Nội được tiêm vắc xin đủ mũi thì cho học sinh đi học hoặc khi học sinh tiêm được tiêm vắc xin là tốt nhất. Nhưng lúc này cũng phải chấp nhận rủi ro nhất định. Thời gian vừa qua, học sinh ở nhà đã quá dài, không những bị khuyết về kiến thức về văn hóa mà còn ảnh hưởng cả đến vấn đề tinh thần, thể chất do trẻ em không được giao tiếp với thầy cô, với bạn bè”, ông Phu phân tích.
Theo ông, khi học sinh đi học cần có quy định chặt chẽ đối với nhà trường, gia đình và học sinh. Bất kỳ gia đình nào có người sốt, ho, khó thở, có triệu chứng nghi ngờ thì học sinh buộc phải nghỉ học, phải khai báo y tế, khai báo nhà trường để phối hợp với y tế xử lý.
Ở trường học cũng hạn chế việc giao tiếp giữa các lớp với nhau, nếu có F0 thì sẽ không lây lan ra lớp khác.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Hà Nội cũng nhấn mạnh quan điểm: Hà Nội cần xem xét cho học sinh quay trở lại trường học ngay.
Để việc quay trở lại trường học được an toàn, PGS.TS Nguyễn Huy Nga lưu ý các giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường, cũng như phụ huynh học sinh phải được tiêm chủng đầy đủ; đặc biệt vấn đề giãn cách giữa các lớp, học sinh với học sinh phải được tuân thủ tuyệt đối.
"Khi đi học trở lại, học sinh chỉ nghe giảng bài và trao đổi với thầy cô, còn các hoạt động văn nghệ nên tạm dừng để đảm bảo an toàn. Các cuộc họp trong nhà trường cũng nên đảm bảo giãn cách, vừa có thể kết hợp các phương án họp trực tiếp và trực tuyến", ông Nga đề xuất.
Trong trường hợp chẳng may một lớp phát hiện học sinh dương tính, ông Nga cho rằng lớp ấy sẽ cho học sinh chuyển qua học online chứ không thể nghỉ, đóng cửa toàn trường. Nếu giáo viên đã tiêm 2 mũi rồi thì không nên đưa họ đi cách ly, chỉ cần xét nghiệm Covid-19 là đủ.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, một số hoạt động khác ở Hà Nội cũng có thể mở được, như dịch vụ ăn uống trong nhà, nhưng cần phải đáp ứng nhiều điều kiện. Ví dụ số lượng người được phục vụ là bao nhiêu, giãn cách như thế nào, làm vách ngăn, khai báo y tế…, đặc biệt phải thực hiện nghiêm túc 5K, bởi hiện nay những nguy cơ khi tụ tập đông người còn rất cao. Rút kinh nghiệm đợt dịch trước, Hà Nội cũng cho mở dịch vụ ăn uống trong nhà nhưng nhiều quán ăn uống không chấp hành, khi có một ca F0 rất khó khăn cho truy vết, xử lý ổ dịch tránh lây lan rộng. Những ca mắc cộng đồng vẫn còn, đặc biệt là những nơi thường xuyên tiếp xúc đông người, hoặc ở những đối tượng đi lại phức tạp...
N. Huyền